Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao nỗ lực của tập thể thầy, trò Nhà trường trong thực hiện nhiệm vụ giáo dục - đào tạo trong thời gian qua. Từ một trường Cao đẳng chuyên ngành Sư phạm được nâng cấp thành trường Đại học đào tạo đa ngành và vẫn giữ được thế mạnh chuyên ngành Sư phạm, trường đã góp phần đáp ứng yêu cầu đào tạo nhân lực chất lượng cao cho Thành phố, đặc biệt là đội ngũ giáo viên.
Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, Trường Đại học muốn phát triển cần có đối tác hợp tác chiến lược. Không nằm ngoài xu thế đó, Trường Đại học Sài Gòn cần xác định và thúc đẩy hợp tác với các đối tác chiến lược. Đối tác đó có thể là những trường đại học tiên tiến trong khu, quốc tế để cùng trao đổi giảng viên, sinh viên và học tập kinh nghiệm, thúc đẩy phát triển hoặc những đơn vị, doanh nghiệp để gắn đào tạo với nhu cầu thực tế. Có như vậy, Nhà trường mới từng bước nâng cao chất lượng đào tạo, có được sản phẩm đầu ra đáp ứng yêu cầu thực tế, hướng tới phát triển bền vững. Cùng với đó, Nhà trường cần tiếp tục chú trọng nâng cao trình độ đội ngũ giảng viên; cơ cấu lại các Khoa, để sự tương tác giữa các bộ môn được đồng bộ, hiệu quả hơn.
Trao đổi với sinh viên Nhà trường về các chương trình, nhiệm vụ phát triển thành phố, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho biết, thành phố đang triển khai Đề án xây dựng đô thị thông minh, để quản lý Thành phố tốt hơn và cung cấp nhiều dịch vụ tiện ích, phục vụ cho cuộc sống người dân. Các ngành nghề, lĩnh vực, trong đó có giáo dục phải hướng đến mô hình thông minh. Mặt khác, hiện nay, phong trào khởi nghiệp đang được thúc đẩy với nhiều chương trình hỗ trợ. Với vai trò của mình, Nhà trường cần tạo được văn hóa, tư duy khởi nghiệp sáng tạo trong sinh viên; trang bị cho sinh viên những kiến thức, kỹ năng để khởi nghiệp.
Chia sẻ tại buổi gặp gỡ với Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều sinh viên bày tỏ vui mừng trước chính sách tuyển dụng giáo viên không cần hộ khẩu của Thành phố. Nhưng nhiều sinh viên Khoa Sư phạm Mầm non thể hiện sự lo lắng cho nghề nghiệp tương lai của mình khi có quá nhiều áp lực, trong khi lương lại chưa đảm bảo. Các em đề xuất Thành phố có những chính sách thu hút, giữ chân giáo viên giỏi làm việc tại thành phố.
Về vấn đề này, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, chính sách tuyển dụng giáo viên không cần hộ khẩu Thành phố nhằm là cơ hội nhưng cũng là thách thức với sinh viên ra trường, khi có nhiều ứng viên giỏi từ các địa phương khác đến thi tuyển. Thành phố đã có nhiều chính sách để thu hút, giữ chân giáo viên Mầm non. Cụ thể, theo quy định chung giáo viên Mầm non được phụ cấp 35% lương, riêng Thành phố sẽ phụ cấp thêm 35%, nên thu nhập giáo viên Mầm non Thành phố cao các địa phương khác. Ngoài ra, Thành phố có chính sách riêng hỗ trợ cho giáo viên mới ra trường đi làm năm thứ nhất 100% lương cơ bản; 75% cho năm thứ 2; 50% cho năm thứ 3.
Để đáp ứng yêu cầu đào tạo, lãnh đạo Trường Đại học Sài Gòn kiến nghị Thành phố đầu tư xây dựng thêm Trường thực hành ở bậc Mầm non và Tiểu học, tạo điều kiện sinh viên hai khoa Giáo dục Mầm non và Giáo dục Tiểu học được rèn luyện, thực hành, đáp ứng công việc tốt hơn sau khi ra trường (hiện Trường đang có Trường thực dạy bậc Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông). Cùng đó, Thành phố xem xét cấp đất; đầu thiết bị cho các phòng thí nghiệm đáp ứng nhu cầu giảng dạy, nghiên cứu của học sinh và cán bộ, giảng viên.
Trường Đại học Sài Gòn được thành lập năm 2007 trên cơ sở nâng cấp Trường Cao đẳng Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. Hiện, trường có 20 khoa đào tạo, trong đó tập trung đào tạo giáo viên cho Thành phố; quy mô hơn 12.000 sinh viên, 86,8% sinh viên có việc làm sau khi ra trường.