Thông tin trên được ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh đưa ra tại buổi giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông và khảo sát tình hình triển khai thực hiện Đề án xây dựng đô thị thông minh trên địa bàn TP Hồ Chí Minh ngày 21/7.
Tại buổi giám sát, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, thông tin đến thời điểm này, TP Hồ Chí Minh đã triển khai sớm và đạt được các yêu cầu bước đầu của thay SGK là tập huấn giáo viên. Đối với việc lựa chọn SKG, cả 5 bộ SGK đều được các trường lựa chọn. Tuy nhiên, bộ SGK Chân trời sáng tạo do NXB Giáo dục Việt Nam phát hành chiếm 80% trường lựa chọn.
Về đội ngũ giảng dạy, theo ông Nguyễn Văn Hiếu, thành phố đã có kinh nghiệm giảng dạy tiếng Anh và tin học đối với bậc tiểu học từ năm 1998. Tuy nhiên, khi đưa hai môn tiếng Anh và tin học vào chương trình chính thức trong phân phối chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục lại gặp khó khăn trong tuyển dụng giáo viên ở hai bộ môn này do chưa có quy định trong đề án vị trí việc làm.
Bên cạnh đó, một số quận huyện không tuyển được giáo viên tiếng Anh là do thiếu nguồn tuyển. Vì theo quy định, giáo viên tiếng Anh dạy tiểu học phải có bằng cử nhân sư phạm.
Ông Nguyễn Văn Hiếu cũng cho biết thêm, ngoài khó khăn trong tuyển dụng giáo viên, các cơ sở còn gặp khó khăn trong việc dự toán kinh phí hàng năm để thực hiện Đề án tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chương trình giáo dục phổ thông mới.
Song song đó, thành phố còn gặp khó khăn trong việc đảm bảo 100% học sinh được học hai buổi/ngày bởi áp lực gia tăng dân số cơ học và quỹ đất dành cho xây dựng trường lớp còn nhiều hạn chế.
Kết thúc buổi giám sát, bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh, cho rằng thành phố có một số thuận lợi khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới so với các địa phương khác, đó là đã chủ động đổi mới phương pháp giảng dạy trong một khoảng thời gian dài, triển khai mô hình trường học tiên tiến… Bên cạnh đó, đoàn cũng ghi nhận những khó khăn của thành phố về áp lực tăng học sinh, phòng học hiện nay đang thiếu, khó tuyển dụng giáo viên, đặc biệt là giáo viên ngoại ngữ.
Với những khó khăn trong công tác tuyển dụng và kinh phí bồi dưỡng giáo viên, bà Văn Thị Bạch Tuyết đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh phối hợp với Sở Tài chính có hướng dẫn để tham mưu cho UBND Thành phố, kiến nghị HĐND giải quyết giúp. Sau buổi giám sát, Đoàn sẽ có văn bản gửi Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính để nghiên cứu.
“Sở cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với quận, huyện để tuyển dụng đủ giáo viên đảm bảo quy định; phối hợp với Sở Nội vụ để có giải pháp trước mắt cho giáo viên dạy từng môn ở tiểu học và các cấp học khác. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với UBND quận, huyện để có đề xuất thành phố quan tâm, đầu tư tháo gỡ khó khăn vướng mắc về mặt bằng”, bà Văn Thị Bạch Tuyết đề nghị thêm.