Các trường lập tức có phương án kiểm soát nguy cơ lây nhiễm dịch, đảm bảo các biện pháp an toàn phòng, chống dịch theo quy định của ngành Y tế và ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố nhằm thực hiện mục tiêu vừa chống dịch vừa đảm bảo môi trường an toàn trong cơ sở giáo dục, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh học tập trực tiếp tại trường.
Phát hiện nhiều ca mắc COVID-19
Theo thống kê của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, từ ngày 14-22/2, số ca trẻ em mắc COVID-19 tăng cao hơn gấp 3 lần so với tuần trước đó. Cụ thể, ghi nhận 7.505 ca trong trường học, gồm 706 giáo viên và 6.799 học sinh; trong đó cấp Mầm non là 394 em, cấp Tiểu học là 2.786 em, Trung học Cơ sở là 1.875 em, Trung học Phổ thông - Giáo dục thường xuyên là 1.744. Số trường học phát sinh ca nhiễm tuần qua cũng tăng với 201 trường.
Tại Trường Tiểu học Bông Sao (Quận 8), đã có 16/47 lớp có học sinh là F0, trong đó có 2 trường hợp phát hiện tại trường, còn lại do cha mẹ học sinh phát hiện và báo cho nhà trường. Tương tự, số học sinh là F0 của Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (Quận Tân Phú) cũng chủ yếu do phụ huynh báo cho nhà trường và phát hiện ở nhà. Còn tại Trường Tiểu học Hòa Bình (Quận 1) sau 1 tuần học trực tiếp trở lại đã có 11 học sinh mắc COVID-19, được cách ly và theo dõi theo đúng quy định.
Ban giám hiệu nhiều trường ở TP Hồ Chí Minh cho biết, các ca học sinh F0 đều ở dạng nhẹ, chưa ghi nhận trường hợp nào diễn tiến nặng. Một số trường hợp có bạn trong lớp mắc COVID-19, mặc dù không tiếp xúc gần nhưng phụ huynh cũng cho học sinh nghỉ ở nhà để theo dõi, sau một vài ngày đã cho con em đi học lại. Tuy vậy, việc F0 xuất hiện rải rác làm nhiều lớp học phải trở lại học trực tuyến khiến học sinh mệt mỏi, trong khi phụ huynh bối rối vì trở tay không kịp.
Chị Hà Thu Trang có con gái đang học lớp 3 Trường Tiểu học Phú Lâm (Quận 6) chia sẻ, sáng 22/2, trong lúc đang làm việc, chị được giáo viên chủ nhiệm thông báo đến đón con về vì trong lớp phát hiện một em học sinh là F0. Nhận được tin nhắn, chị Trang lập tức đến trường đón con. Đến nơi, chị Trang thấy con cùng các bạn đã mang đầy đủ sách vở, đồ dùng học tập và ngồi đợi bố mẹ. Đến chiều hôm đó, chị cùng các phụ huynh khác được thông báo lớp sẽ chuyển sang học trực tuyến trong vòng một tuần để bảo đảm an toàn cho các em.
Theo chị Trang, tuy hiểu quyết định của nhà trường là vì sự an toàn của học sinh nhưng việc đang học trực tiếp nay bỗng nhiên chuyển sang học trực tuyến, ngoài ảnh hưởng đến công việc chung của vợ chồng chị thì còn ảnh hưởng đến tâm lý của con.
“Suốt nửa năm học trực tuyến tại nhà, con gái tôi trở nên thụ động, ít nói hơn rất nhiều. Chỉ mới hơn một tuần đi học lại, gặp mặt thầy cô bạn bè mà mấy hôm nay cháu năng động, phấn chấn hẳn lên. Nhưng nay lại phải học ở nhà khiến cháu rất buồn, không có tinh thần học. Chúng tôi phải động viên con rằng chỉ học tạm một tuần thôi rồi con sẽ được tiếp tục đến trường, nhưng chúng tôi cũng băn khoăn nếu sau đó trong lớp lại phát hiện F0 thì trường lại cho các cháu học trực tuyến tiếp sao?”, chị Trang bày tỏ.
Ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thủ Đức hy vọng phụ huynh thông cảm vì việc cho học sinh nghỉ học khi có F0 của Trường Mầm non Tuổi Thơ cũng là tình thế chung của các trường, ngành giáo dục hiện nay, nhất là với khối Mầm non và Tiểu học khi có giáo viên bị nhiễm. Tất cả các cơ sở giáo dục hiện nay đều cố gắng hết sức để đảm bảo các biện pháp an toàn phòng, chống dịch theo quy định của ngành Y tế và ngành Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, đảm bảo an toàn cho học sinh nhưng khi ca nhiễm tăng nhanh thì việc quay lại học trực tuyến là không tránh khỏi.
Theo ông Nguyên, hướng dẫn mới của Bộ Y tế nêu rõ, khi lớp học có học sinh F0, cán bộ y tế trường học và tổ an toàn phòng, chống dịch COVID-19 của nhà trường, cán bộ y tế cấp xã tổ chức xét nghiệm kháng nguyên nhanh ngay cho toàn bộ học sinh của lớp đó. Với những học sinh có tiếp xúc gần F0 thì cho nghỉ học trực tiếp để theo dõi, những em khác vẫn học bình thường. Riêng đối với khối mầm non, nhà trẻ, nhóm trẻ, theo quy trình kiểm soát dịch COVID-19 mới nhất vừa được TP Hồ Chí Minh bổ sung, ban hành, do trẻ chưa có ý thức tuân thủ 5K, khả năng tiếp xúc giữa các trẻ khi học tập, vui chơi tại lớp rất lớn, do đó nếu có 1 ca xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 dương tính thì toàn bộ học sinh trong cùng lớp được xác định là F1 và phải về nhà theo dõi.
Phụ huynh, học sinh chung tay cùng nhà trường
Trước tình hình F0 tăng mạnh, nhiều trường học đã có những giải pháp linh hoạt nhằm ứng phó dịch bệnh, bảo vệ an toàn trường học, đảm bảo công tác dạy và học diễn ra hiệu quả.
Tại Trường Trung học Cơ sở Hà Huy Tập (quận Bình Thạnh), Ban giám hiệu đang thực hiện giãn cách ở lớp học, đặc biệt ở khu vực ăn uống và ngủ, nghỉ của học sinh bán trú. Trước đây, học sinh bán trú sẽ cùng ăn vào một thời gian nhất định. Hiện tại, nhà trường quy định chia các khung giờ và khu vực ăn khác nhau cho từng khối. Theo đó, học sinh khối 6, 7, 8 sẽ ăn trước, sau đó mới tới khối 9. Một số lớp học sẽ được ra chơi tại chỗ, đồng thời có xe của nhà ăn phục vụ riêng tại lớp, không ăn uống tập trung. Sau khi ăn uống, học sinh sẽ lên phòng nghỉ ngơi và ngủ ngay thay vì có thời gian vui chơi tự do như trước.
Bà Hứa Thị Diễm Trâm, Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Hà Huy Tập cho biết, nếu trong một lớp học có từ 5 ca F0 trở lên sẽ chuyển sang hình thức dạy trực tuyến. Học sinh F0 được miễn học trực tuyến các môn Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục. Theo bà Trâm, đây là những môn học khó tổ chức online, học sinh được miễn để những em F0 có thời gian nghỉ ngơi thêm.
Tương tự, Trường Trung học Cơ sở Huỳnh Khương Ninh (Quận 1) cũng tăng cường biện pháp phòng dịch theo hướng dẫn của ngành Y tế, nhất là với học sinh khối 6 chưa được tiêm vaccine. Theo thầy Cao Đức Khoa, Hiệu trưởng nhà trường, trường đã xây dựng kế hoạch dự kiến và các tình huống nếu số lượng ca mắc COVID-19 tăng cao. Tuy nhiên, trường vẫn chưa áp dụng vì tình hình đang được kiểm soát. Với những học sinh là F1 tiếp xúc gần, trường cũng có phương án hỗ trợ trước mắt để đảm bảo theo kịp kiến thức của các em.
“Nhà trường xử lý F0, F1 theo đúng chỉ đạo của Bộ Y tế, nhà trường luôn hỗ trợ các em bằng cách đăng bài giảng, bài tập lên trang web của trường để phụ huynh có thể lấy bài xuống cho các em xem khi ở nhà. Nếu các em có thắc mắc, muốn đặt câu hỏi, giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn luôn luôn sẵn sàng hỗ trợ các em thông qua điện thoại", thầy Khoa nói.
Nhiều phụ huynh cũng rất tích cực đồng hành, hỗ trợ các trường trong việc theo dõi, thông báo về sức khoẻ con em mình. Tại Trường Trung học Cơ sở Nguyễn Du (Quận 1), Ban phụ huynh phối hợp với giáo viên chủ nhiệm xác định nhanh các trường hợp tiếp xúc gần với F0 để kịp thời khoanh vùng, chuyển các học sinh này sang học trực tuyến. Đồng thời, phối hợp cùng nhà trường sử dụng ứng dụng “Lớp học xanh” trên thiết bị di động để thông báo định kỳ tình hình sức khỏe của học sinh để đánh giá tình hình an toàn trong lớp học và mã QR để học sinh khai báo y tế trước khi đến trường.
Cô Nguyễn Đoan Trang, Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Nguyễn Du cho biết, ngoài việc tăng cường trao đổi với phụ huynh học sinh, trường cũng vừa thành lập đội ngũ COVID-19 tự quản trong học sinh để các em phối hợp với nhà trường trong phòng, chống dịch. Mỗi lớp học sẽ có 3 học sinh trong tổ tự quản COVID-19, các em có nhiệm vụ nhắc nhở các bạn đeo khẩu trang, rửa tay, khử khuẩn cũng như lưu ý tình hình sức khỏe của các bạn trong lớp để báo với giáo viên chủ nhiệm. Điều này khiến các em học sinh nâng cao tinh thần tự giác, càng ý thức hơn trong việc tự bảo vệ bản thân và người khác khỏi lây nhiễm chéo.
“Tôi cho rằng việc kiểm soát dịch bệnh tốt phải có sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường. Tương tác hằng ngày khiến phụ huynh và học sinh nhớ, không lơ là phòng, chống dịch", cô Trang cho biết.