Bài 1: "Bắt mạch" vì sao giáo viên nghỉ việc
Từ xưa đến nay, nghề giáo vẫn được xem là một nghề cao quý và được xã hội tôn trọng. Mỗi một giáo viên khi đến với nghề đều xuất phát từ niềm đam mê với sự nghiệp “trồng người". Thế nhưng, thời gian trôi qua, áp lực công việc ngày càng nhiều nhưng thu nhập lại không đủ lo cho cuộc sống tối thiểu khiến giáo viên khó “gồng gánh” nuôi dưỡng đam mê.
Áp lực từ học sinh, phụ huynh đến nhà trường
Hơn 16 năm theo nghiệp “gõ đầu trẻ”, trong đó có 10 năm gắn bó với những học sinh, đặc biệt là trẻ tự kỷ, đã nhiều lần cô Nhật Tiên (giáo viên đang công tác tại một trường chuyên biệt Quận 3, TP Hồ Chí Minh) có suy nghĩ: hết lứa học trò này sẽ nghỉ dạy để tìm một công việc khác đảm bảo cuộc sống và ít áp lực hơn. Thế nhưng vì thương những học trò đặc biệt và cả phụ huynh, cô Nhật Tiên lại tiếp tục gắn bó với nghề.
Chia sẻ về những áp lực gặp phải trong công việc, cô Nhật Tiên cho biết mỗi một trẻ tự kỷ có một biểu hiện hành vi riêng. Dạy một trẻ tự kỷ bằng 10 trẻ bình thường, bởi mỗi một trẻ tự kỷ giáo viên phải có một phương pháp dạy riêng. Áp lực lớn của giáo viên là sự tiến bộ của trẻ, nếu trẻ không tiến bộ sẽ làm giáo viên chán nản, phụ huynh khắt khe quá cũng làm cho giáo viên buông xuôi.
“Mong muốn lớn nhất của giáo viên dạy trẻ tự kỷ đó là làm sao để trẻ tiến bộ và có thể hòa nhập xã hội, nhưng hiện nay còn khá nhiều trẻ chưa được hòa nhập bởi xã hội vẫn còn có cách nhìn dò xét. Giáo viên trường thường thì ngại nhận trẻ tự kỷ hòa nhập vì dạy trẻ tự kỷ tốn rất nhiều thời gian, cùng với đó nhiều phụ huynh chưa chấp nhận những khiếm khuyết của con em mình nên giáo viên cũng gặp rất nhiều áp lực trong việc thuyết phục phụ huynh đồng hành với giáo viên tháo gỡ từng khó khăn để trẻ tiến bộ hơn”, cô Nhật Tiên chia sẻ.
Giáo viên không chỉ là người truyền đạt kiến thức mà còn chỉ bảo, dạy dỗ học trò của mình để trở thành người có ích. Để hoàn thành trọng trách cao cả ấy, mỗi giáo viên không chỉ cần tích cực học tập, nâng cao trình độ chuyên môn mà cần phải có kỹ năng giao tiếp, hòa nhập với học sinh. Tuy nhiên, với những thay đổi liên tục, chóng vánh, áp lực từ nhiều phía, những bất cập đã chiếm hết thời gian, trí óc mà đúng ra giáo viên chỉ dành cho chuyên môn, cho học trò.
Hơn 30 năm đứng trên bục giảng, cô N.T.H, giáo viên dạy lớp 2 tại một trường tiểu học ở thành phố Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) chia sẻ, ngoài áp lực phải luôn luôn nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, cập nhật công nghệ thông tin để phù hợp với xu thế dạy học mới, giáo viên còn chịu rất nhiều áp lực từ phía phụ huynh.
Cô N.T.H cho biết, ngày nay, mỗi gia đình chỉ có một hoặc hai con nên phụ huynh rất nuông chiều con. Chỉ cần giáo viên nghiêm khắc trong việc giáo dục học sinh, các phụ huynh sẽ không đồng ý. Thậm chí phụ huynh còn vào tận lớp học để gây áp lực với thầy cô, dùng các thiết bị ghi âm, chụp ảnh, quay phim để kiểm soát giáo viên.
Trước đó, tại buổi tiếp xúc cử tri thành phố Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) của Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh, cô Võ Thị Vinh với 19 năm làm giáo viên đã rơi nước mắt khi chia sẻ về áp lực công việc khiến nhiều giáo viên nghỉ việc. Theo cô Võ Thị Vinh, giáo viên nản không vì lương thấp mà vì áp lực công việc quá nhiều. Hiện nay, ngoài giảng dạy tại trường, đến tối giáo viên còn phải làm rất nhiều sổ sách không cần thiết. Bên cạnh đó, khi xét thi đua, chuyên môn của giáo viên không còn được chú trọng mà nhiều tiêu chí ngoài lề được đưa vào để xét.
Cô Võ Thị Vinh dẫn chứng: Giáo viên lên tiết để trao đổi kinh nghiệm cho giáo viên thực tập chỉ được cộng 1 điểm thi đua nhưng hiến máu lại được cộng đến 3 điểm. Do đó, giáo viên lại rủ nhau hiến máu cho thật nhiều. Hiến máu là công việc cao cả nhưng giáo viên cứ đi hiến máu về lại mệt nghỉ cả ngày, cả lớp phải nghỉ theo.
Áp lực “cơm áo, gạo tiền”
Ngoài những áp lực lớn về xã hội, nhà trường thì áp lực lớn nhất của giáo viên chính là áp lực về "cơm áo gạo tiền". Cô Nhật Tiên cho biết, hiện với hệ số lương của một giáo viên làm việc thâm niên như cô thì không đói, nhưng để đảm bảo chất lượng cuộc sống thì cần phải nỗ lực “cày đêm” rất nhiều.
“Trọng trách, đòi hỏi của xã hội đối với giáo viên thì quá nhiều, trong khi đó mức lương của giáo viên lại rất thấp. Lương không đủ để người thầy yên tâm cống hiến hết mình, vì vậy ngoài giờ dạy, giáo viên còn phải làm đủ thứ nghề để mưu sinh, khiến cho nhiệt huyết với nghề cũng giảm dần. Những giáo viên dạy thâm niên như tôi thì lương và các khoản phụ cấp còn tàm tạm, nhưng với các giáo viên trẻ mới ra trường thì mức lương chỉ tầm hơn 3 triệu đồng/tháng, hỏi làm sao đủ sống ở thành phố lớn”, cô N.T.H chia sẻ.
Là giáo viên đang tham gia giảng dạy ở cả môi trường công lập và tư thục, thầy Phan Thế Hoài, trường THPT Bình Hưng Hòa cho rằng, bất cứ ngành nghề nào cũng có những áp lực nhất định, kể cả lao động chân tay chứ không riêng gì nghề giáo. Tuy nhiên, giáo viên trường tư thục gặp áp lực hơn rất nhiều so với trường công lập. Giáo viên trường tư thục có thể nhận lương gấp đôi, gấp ba so với giáo viên trường công lập nhưng thời gian họ làm việc nhiều hơn. Giáo viên trường tư thục muốn nhận lương cao thì yếu tố tiên quyết họ phải giỏi chuyên môn, quản lý lớp học tốt, thu hút được nhiều học sinh theo học, được sự tín nhiệm của hội đồng quản trị, học sinh và phụ huynh học sinh.
“Họ có thể bị cắt hợp đồng giảng dạy bất cứ lúc nào nếu không đáp ứng được những yêu cầu đó. Ngược lại, giáo viên trường công lập thì dạy học theo định mức và hưởng lương theo hệ số. Rất khó để cho một giáo viên công lập nghỉ việc, cho dù năng lực giảng dạy của người thầy chưa đảm bảo”, thầy Phan Thế Hoài nói.