Hiệu trưởng Trường đại học Việt-Đức Jürgen Mallon trao bằng tốt nghiệp cho sinh viên. |
Ông Boris Rhein - Bộ trưởng Bộ Khoa học và Nghệ thuật Cộng hòa Liên bang Đức và Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga đã trao bằng tốt nghiệp cho các tân Cử nhân và Thạc sỹ. Đây là những sinh viên được đào tạo theo chương trình phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và mô hình trường đại học mới.
Các tân Cử nhân và Thạc sỹ được nhận bằng tốt nghiệp do các trường đại học của Đức là đối tác của trường Đại học Việt-Đức cấp với các ngành đào tạo: Tài chính và Kế toán (FA), Kỹ thuật điện (EEIT) và học viên cao học các ngành Phát triển Đô thị Bền vững (SUD), Hệ thống Thông tin Doanh nghiệp (BIS), Tính toán Kỹ thuật và Mô phỏng trên Máy tính (CompEng) và ngành Cơ điện tử và Công nghệ Cảm biến (MSST). Đây cũng là những sinh viên Tài chính và Kế toán khóa đầu tiên tốt nghiệp. Đặc biệt các Cử nhân và Thạc sỹ của trường Đại học Việt-Đức sau khi tốt nghiệp thành thạo cả tiếng tiếng Anh và tiếng Đức.
Sinh viên tốt nghiệp từ chương trình đào tạo theo mô hình đại học mới Việt-Đức. Ảnh: Dương Chí Tưởng - TTXVN |
Ông Jürgen Mallon, Hiệu trưởng trường Đại học Việt-Đức cho biết: Nhà trường đã và đang xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với các doanh nghiệp Việt, Đức; một số sinh viên tốt nghiệp đã có cơ hội thực tập hoặc viết đề án tốt nghiệp tại những công ty đó. Kết quả khảo sát cho thấy, phần lớn sinh viên của trường sau khi tốt nghiệp đều tìm được công việc như mong muốn trong các công ty đa quốc gia, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam và nhiều quốc gia trong khối Liên minh châu Âu. Một số sinh viên tiếp tục theo định hướng nghiên cứu cũng như nhận được những suất học bổng và tiếp tục học lên chương trình cao hơn tại các nước châu Âu.
Trường Đại học Việt-Đức nằm trong chương trình hợp tác giữa Việt Nam với nước ngoài được đầu tư bằng nguồn vốn ODA 200 triệu USD. Sau 7 năm thành lập, đến nay trường Đại học Việt-Đức đã triển khai 11 chương trình đào tạo, trong đó có 7 chương trình đào tạo trình độ Thạc sỹ và 4 chương trình đào tạo trình độ Cử nhân thuộc 5 khối ngành, trong đó có những ngành chuyên sâu về kỹ thuật - công nghệ, các ngành kinh tế và quản trị mũi nhọn của Đức. Hiện nay, trường có gần 1.200 sinh viên đang theo học.
Dịp này, trường Đại học Việt-Đức đã trao học bổng tiếp sức cho các sinh viên gặp khó khăn với tổng giá trị là 1,2 triệu USD, bao gồm những học bổng từ nguồn ngân sách của trường, của Ngân hàng Thế giới, Cơ quan Trao đổi Hàn lâm Đức (DAAD), Tổ chức Đại học Quốc tế (WUS), Quỹ Hinrichs cũng như ngân sách từ các doanh nghiệp như: Adidas, Bosch, Pepperl & Fuschs và Detmold Packaging.