Ngày 8/3, tại Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã
trang trọng tổ chức Lễ trao bằng Tiến sĩ danh dự cho Gs Ngô Bảo Châu,
hiện công tác tại Đại học Chicago, Hoa Kỳ và Gs Annik Weiner - Nguyên
Phó giám đốc Đại học Paris - Sud XI. Tham dự
buổi lễ có Ngài Jean - Francois Girault, Đại sứ Cộng hòa Pháp tại Việt
Nam; Giáo sư Robert Zimmer, Giám đốc Đại học Chicago; Ban lãnh đạo
ĐHQGHN cùng đông đảo giảng viên, sinh viên ĐHQGHN.
Ngô Bảo Châu vốn là cựu học sinh khối THPT chuyên toán của ĐHQGHN và
trong thời gian học tập tại đây anh đã hai lần giành Huy chương Vàng
toán quốc tế năm lớp 11 và 12. Năm 2010, Ngô Bảo Châu đã trở thành người
đầu tiên của nước ta nhận được Huy chương Fields - Giải thưởng uy tín
nhất thế giới trong lĩnh vực toán học sau khi chứng minh thành công Bổ
đề cơ bản Langlands. Trước đó, năm 2005, Ngô Bảo Châu đã được đặt cách
phong hàm Giáo sư tại Việt Nam và trở thành Giáo sư trẻ nhất của Việt
Nam vào thời điểm đó.
Gs Ngô Bảo Châu hiện công tác
tại Đại học Chicago, lĩnh vực nghiên cứu hiện tại của anh là hình học
đại số, lý thuyết theo nhóm, trình bày dạng cá thể. Trước đó, Gs Ngô Bảo
Châu làm Giáo sư toán học của Đại học Paris - Sud, Viện Nghiên cứu cấp
cao Princeton và Trung tâm Khoa học Quốc gia Pháp.
Gs Ngô Bảo Châu đã
xuất bản 14 công trình khoa học bằng tiếng Pháp và tiếng Anh về các lĩnh
vực chuyên môn như: Bổ đề cơ bản của Jacquet và Ye duwosi dạng cân
bằng, dưới dạng dương tính; Chùm tính chất, hình thái của sự thay đổi
căn bản và bổ đề cơ bản;...
Trường Đại học Chicago -
nơi Gs Ngô Bảo Châu đang làm việc là trường đại học xếp hạng thứ tư tại
Mỹ và được đánh giá là nơi có trung tâm toán học hàng đầu thế giới.
Trường được thành lập bởi Hội Giáo dục Baptist Mỹ và nhà tỷ phú dầu mỏ
John D.
Rockefeller năm 1890. Đại học Chicago hiện có 5.134 sinh viên
đại học và 10.492 học viên sau đại học với 2.211 cán bộ. Các hướng
nghiên cứu mạnh của Chicago là: khoa học cơ bản, công nghệ, kinh tế,
luật,...
Đặc biệt, có 85 nhà khoa học đạt giải Nobel từng là sinh viên
và cán bộ giảng dạy của Đại học Chicago. Hiện có 8 người vẫn đang công
tác tại đây. Hàng năm Đại học Chicago dành 500 triệu USD cho các giải
thưởng nghiên cứu khoa học và công nghệ.
Cùng được trao
Bằng Tiến sĩ danh dự của Đại học Quốc gia Hà Nội với Gs Ngô Bảo Châu có
Giáo sư Annick Suzor Weiner - Nguyên Phó Giám đốc Đại học Paris - Sud
XI.
Giáo sư Annick Suzor Weiner đã nhận
bằng Tiến sĩ Vật lý tại Ecole Normale Superieure năm 1979 và được bổ
nhiệm Gs tại Đại học Paris - Sud XI năm 1988. Bà là thành viên của nhiều
hiệp hội, tổ chức khoa học quốc tế như: Hội Vật lý Mỹ, Hội Vật lý châu
Âu, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Vật lý và Vật lý ứng dụng quốc tế
(IUPAP),...
Giáo sư Annick Suzor Weiner là người khởi xướng và thúc đẩy
quan hệ hợp tác đào tạo và nghiên cứu giữa Đại học Paris - Sud XI và
ĐHQGHN năm 2005. Bà đã có nhiều hoạt động tích cực mang lại hiệu quả cao
như: vận động các doanh nghiệp Pháp hỗ trợ học bổng cho học viên, thực
hiện Chương trình phối hợp đào tạo thạc sĩ chuyên ngành Công nghệ Micrro
- Nano và Ứng dụng, đào tạo tiến sĩ một số ngành công nghệ giữa trường
ĐH Công nghệ thuộc ĐHQGHN và ĐH Paris - Sud XI; Chương trình liên kết
đào tạo thạc sĩ chuyên ngành thông tin, hệ thống và công nghệ trong
khuôn khổ đề án Trung tâm Đại học pháp tại Hà Nội. Các chương trình trên
đã góp đào tạo hàng chục giảng viên đạt trình độ quốc tế cho Việt Nam.
Giáo sư Annick Suzor Weiner đã từng được Chính phủ Việt Nam tặng Huy
chương Hữu nghị năm 2005.
Sau khi Giám đốc Đại học
Quốc gia Hà Nội, Gs Mai Trọng Nhuận thay mặt nhà trường trao Bằng tiến
sĩ danh dự cho Gs Ngô Bảo Châu và Gs Annick Suzor Weiner đã diễn ra
chương trình giao lưu, trò chuyện giữa Gs Ngô Bảo Châu và sinh viên
ĐHQGHN.
Với cách trả lời thẳng thắn, giản dị và khá hài
hước, Gs Ngô Bảo Châu đã chia sẻ với các sinh viên về những kinh
nghiệm, bí quyết để học tốt môn toán và thành công. Gs Ngô Bảo Châu cho
biết, anh có 3 dự định trong thời gian tới là: tiếp tục theo đuổi niềm
say mê nghiên cứu toán học; tham gia làm Giám đốc Viện Nghiên cứu cấp
cao về toán tại Việt Nam và kêu gọi các nhà khoa học nước ngoài, những
nhà khoa học Việt Nam đang làm việc tại nước ngoài tham gia đóng góp vào
sự phát triển khoa học của Việt Nam.
Hoàng Hoa