6 học sinh đạt giải nhất quốc gia môn lịch sử được trao thưởng hôm nay. Ảnh: Hà Thu |
Đây là những em học sinh tham gia kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia môn Lịch sử khối Trung học phổ thông do Bộ GD-ĐT tổ chức năm 2015. Trong số 130 em có 6 em đoạt giải Nhất, 53 em đoạt giải Nhì và 71 em đoạt giải Ba. 6 em đoạt giải Nhất đến từ các trường chuyên của tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Hà Tĩnh.
GS, nhà sử học Dương Trung Quốc, thay mặt Ban tổ chức cho biết năm nay Bắc Ninh là tỉnh có nhiều thí sinh đoạt giải Nhất nhất. Từ năm 2012 đến 2015, đã có 764 học sinh đoạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn Lịch sử được tuyên dương và trao thưởng.
Bên cạnh đó, Quỹ còn trao học bổng cho 127 sinh viên ngành Sử thuộc 13 trường đại học trong cả nước. Con số đó tuy chưa thấm vào đâu so với lượng sinh viên cả nước nhưng đó là sự nỗ lực hết mình nhằm động viên, khuyến khích niềm yêu thích, sự hứng thu để nuôi dưỡng niềm đam mê đối với môn Sử của thế hệ trẻ học đường.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển ghi nhận và đánh giá cao những cố gắng của các thầy cô giáo và thành tích đáng tự hào của các em học sinh. Việc có mặt tại lễ vinh danh hôm nay không những thể hiện sự yêu thích, đam mê, phương pháp học tập hiệu quả của các em, mà còn thể hiện một bản lĩnh vững vàng và nhận thức đúng đắn về lịch sử nhân loại cũng như lịch sử nước nhà.
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết giáo dục lịch sử đang được cả xã hội rất quan tâm, chứng tỏ dạy và học môn Lịch sử ở trường phổ thông đang dần được thay đổi. Thông qua kiến thức lịch sử, tuổi trẻ cả nước có nghĩa vụ và tình cảm phát huy truyền thống yêu nước, xây dựng đất nước, vươn lên lập thân, lập nghiệp góp phần bảo vệ tổ quốc.
Em Nguyễn Thị Hương, học sinh Trường THPT chuyên Bắc Ninh, đạt giải Nhất chia sẻ, đối với em lịch sử giúp em hiểu những mất mát, đau thương của thế hệ đi trước, tự hào về Tổ quốc Việt Nam và thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn, xây dựng và bảo vệ quê hương đất nước.
Lịch sử chưa bao giờ bị lãng quên, nhưng để nuôi dưỡng nó trong tâm hồn của các thế hệ trẻ, em mong muốn các thầy cô, các giáo sư đầu ngành, Bộ GD-ĐT và các cơ quan hữu quan quan tâm hơn nữa trong việc đổi mới phương pháp dạy và học Lịch sử trong trường phổ thông, việc lựa chọn các môn học, môn thi để bộ môn Lịch sử trở nên hấp dẫn hơn, gần gũi hơn với thế hệ trẻ, để mỗi người trẻ được nuôi dưỡng truyền thống ngay khi ngồi trên ghế nhà trường.
Lê Vân