Năm học này, lần đầu tiên ngành giáo dục tỉnh Hưng Yên triển khai thí điểm giảng dạy Giáo dục công nghệ lớp 1. Tuy nhiên, tại thành phố Hưng Yên, việc thí điểm lẽ ra chỉ thực hiện ở một số trường, lớp trên tinh thần tự nguyện nhưng lại triển khai trên diện rộng ở đồng loạt các trường tiểu học. Việc làm này đã làm cho phụ huynh bức xúc, cô giáo uể oải, học trò chậm chạp.
Phụ huynh bức xúc Nói về nội dung của sách công nghệ, chị Đỗ Thị M.N có con học lớp 1 trường Tiểu học An Tảo (thành phố Hưng Yên) gay gắt: “Chưa biết tính ưu việt của công nghệ như thế nào nhưng qua xem cụ thể các cuốn sách có rất nhiều bất cập. Trong đó có nhiều điểm chưa logic. Chẳng hạn như ở bài học thứ 3 các cháu mới học chữ cái C thì đến ngay bài kế tiếp đã học sang chữ CH; trong khi đó đến 5 bài sau mới học đến chữ H. Một số từ minh họa ngay cả người lớn cũng khó hiểu mà lại đi dạy cho trẻ nhỏ như: bẻ ghi, nò...”. Rồi đến phần từ ngữ, trẻ lớp 1 đã phải học các từ ngữ như "trả giá", "vô lễ", phải viết các bài chính tả dài đến hơn 30 chữ có nội dung gây sợ hãi và phản cảm như "Chó dữ giữ nhà", "Mụ phù thủy"... Thậm chí phải học cả "Luật chính tả và phiên âm" với các tên địa danh, danh nhân như: Bra-xin, Mát-xcơ-va, Phnoom-ênh, Tuốc-ghê-nhep, Anh-xtanh, Xô-crat... Với cách học như thế này, thì các cháu lớp 1 phải là "thần đồng" mới học được, chị M.N hài hước.
Mới học vài tuần nhưng học sinh học giáo dục công nghệ đã phải viết những bài chính tả dài như thế này. Ảnh: dantri.com.vn |
Phản ánh về chất lượng học của con em, anh Trần Quang B, phụ huynh ở phường Hiến Nam cho hay: Với chương trình công nghệ, con anh chỉ đọc vẹt mà không nhận được mặt chữ, đánh vần chậm. Một điều khôi hài là cháu viết được cả bài chính tả 5 dòng nhưng khi đọc thì chữ được chữ không. Điều làm cho nhiều phụ huynh bất bình là, ngay sau khi vào năm học được vài tuần các cháu đã phải viết mỗi ngày một bài chính tả dài hơn 30 từ; học mới đến tuần thứ 7, các cháu viết bút chì còn chưa quen tay đã chuyển sang viết ...bút mực.
Do những bất cập của giáo dục công nghệ, các phụ huynh đều "bó tay.com" không thể kèm con ở nhà vì khi phát âm các chữ R, Gi đều phải đọc thành D; các chữ K, Q đều phải đọc thành C. Cách phát âm thì trước đây, học sinh phải thuộc bảng chữ cái, đánh vần từng âm để ghép thành tiếng. Chẳng hạn tiếng “hủy” phải đánh vần lần lượt: “u-y-uy”, “h-uy-huy” - “hỏi” = “hủy”. Nay, các em đọc thẳng luôn là “huy” - “hỏi” - “hủy. Anh Đặng Văn B. có con học ở Trường tiểu học Hoàng Lê cho biết: “Theo chương trình cũ thì phụ huynh có thể dễ kèm cặp cho con. Đối với chương trình công nghệ thì cách phát âm và học vần khác so với truyền thống nên gây khó khăn cho phụ huynh. Với cách học như thế này, chúng tôi buộc phải đề nghị cô giáo cho các cháu học thêm ngoài giờ để ... chạy theo công nghệ”.
Chương trình quá tải, cô trò uể oảiTheo các giáo viên dạy lớp 1 ở thành phố Hưng Yên, chương trình giáo dục công nghệ nặng hơn so với chương trình hiện hành nên việc dạy và học rất chật vật. Cô Nguyễn Thị Lụa, giáo viên trường Tiểu học Hoàng Lê cho hay, đối với Giáo dục công nghệ thì chỉ phù hợp với học sinh có nhận thực khá trở lên, việc rèn kĩ năng nói cho học sinh là không có. Phần viết và đọc nặng. Nội dung viết chính tả quy định 15-20 phút nhưng có bài dài trên dưới 30 chữ nên hoạt động của cô và trò gặp nhiều khó khăn khi mà tiết học chỉ có giới hạn.
Theo đánh giá của nhiều giáo viên đang dạy chương trình công nghệ lớp 1 ở thành phố Hưng Yên thì cùng thời gian như trên, học sinh sau 8 tuần học chương trình sách giáo khoa hiện hành có thể thuộc hết bảng chữ cái và ghép vần thành âm, tiếng. Bên cạnh đó chương trình hiện hành cũng phù hợp với trẻ lớp 1 rèn được cả 4 kĩ năng nghe, đọc, nói, viết. Nhưng với chương trình công nghệ, nhiều cháu không theo kịp. Theo cô Lương Thanh Hà, giáo viên Trường tiểu học Liên Phương: “Sắp xếp của sách công nghệ thì có bài ngắn, bài dài. Bài nào mà dài quá thì về phần đọc đối với học sinh trung bình và yếu là hơi khó khăn và vất vả. Các bài chính tả viết còn quá dài nên học sinh viết không được đẹp".
Một giáo viên dạy giỏi giấu tên cho biết: chị có thâm niên gần 30 năm dạy lớp 1 nhưng chưa bao giờ mệt mỏi như dạy chương trình công nghệ này. Nếu như các năm trước, cả lớp hơn 40 cháu học đến đâu nhớ bài đến đó, thì năm nay, chỉ được hơn 30% số cháu theo được, còn lại các cháu nhận biết rất chậm, đọc kém và viết chữ xấu.
Tự nguyện trong ép buộc
Theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hưng Yên, việc thực hiện thí điểm là dựa trên tinh thần đăng ký tự nguyện của các trường. Năm học 2013-2014, Phòng Giáo dục Đào tạo Thành phố Hưng Yên đã đăng ký với Sở thực hiện thí điểm ở 12 trường tiểu học trên địa bàn. Mới triển khai thí điểm ở thành phố Hưng Yên nhưng các huyện như Ân Thi, Văn Lâm, Khoái Châu cũng đã đăng ký để thí điểm vào năm sau.
Trong khi Sở Giáo dục đào tạo Hưng Yên khẳng định việc đăng ký thí điểm Giáo dục công nghệ là tự nguyện thì bà Hoàng Thị Dự, Phó phòng Giáo dục Đào tạo thành phố Hưng Yên lại cho biết: “Việc triển khai đồng loạt trên 12 trường tiểu học của thành phố là do Sở Giáo dục và Đào tạo có chỉ đạo làm. Chúng tôi thực hiện mà không lấy ý kiến các trường".
Bà Đỗ Thị Kiên, Hiệu trưởng trường Tiểu học Liên Phương và nhiều hiệu trưởng, giáo viên các trường tiểu học ở thành phố Hưng Yên cũng khẳng định, việc thực hiện thí điểm là do chỉ đạo chung của cấp trên chứ không phải xuất phát từ việc các trường tự nguyện tham gia.
Nhiều phụ huynh có con em học lớp 1 ngán ngẩm cho biết: trước khi bước vào năm học, đã chuẩn bị mua đủ bộ sách giáo khoa cho con nhưng đến dịp khai giảng, mới hay biết năm nay học sách mới làm cho ai cũng tá hỏa đi đổi sách nhưng các cửa hiệu sách đều thông báo không có bán sách công nghệ. Cuối cùng phải đề nghị cô giáo đăng ký mua giúp.
Chị Bùi Thị L có con học trường Tiểu học Nguyễn Huệ bức xúc: Lẽ ra phải thông báo trước để phụ huynh nắm bắt và đăng ký có cho con vào học ở các lớp có chương trình thí điểm hay không. Song chúng tôi không muốn cũng không được vì tất cả các lớp 1 trên địa bàn thành phố đều phải học "thí điểm công nghệ". Nhiều phụ huynh ở thành phố Hưng Yên ngao ngán: tại sao là chương trình thí điểm tự nguyện mà lại bắt buộc nhà trường, bắt buộc giáo viên và học sinh. Tại sao lại biến con em chúng tôi thành vật thí điểm?
Mai Ngoan