Bà Nguyễn Thu Thủy, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: Theo thống kê sơ bộ từ các địa phương, tính đến 15 giờ ngày 30/6, đã có trên 880.000 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp Trung học phổ thông; trong đó, có trên 636.000 thí sinh đăng ký xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. Số lượng này tương đối ổn định so với năm 2019. Bên cạnh đó, chính sách tuyển sinh về cơ bản vẫn giữ ổn định như năm 2019. Các trường đại học phát huy tự chủ, đưa ra nhiều phương án tuyển sinh kết hợp để thí sinh lựa chọn. Năm nay, Bộ tiếp tục hỗ trợ các trường lọc ảo trong xét tuyển đợt một.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng và hoàn thiện các phần mềm báo cáo xác định chỉ tiêu tuyển sinh và cổng thông tin tuyển sinh để hỗ trợ các trường trong việc khai báo và công khai các điều kiện đảm bảo chất lượng xác định chỉ tiêu tuyển sinh; khai báo và công khai chính xác, đúng quy định thông tin tuyển sinh.
Về việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hoàn thiện phương án cụ thể để giám sát chặt chẽ các khâu, trong đó đặc biệt chú trọng công tác coi thi, chấm thi tại các địa phương; hoàn thiện hệ thống phần mềm quản lý thi, phần mềm chấm thi trắc nghiệm.
Kỳ thi năm nay, giảng viên đại học sẽ không tham gia vào công tác coi thi, chấm thi như mọi năm nhưng sẽ được huy động để tham gia các đoàn thanh tra của Bộ, của sở để kiểm tra, thanh tra tất cả các khâu của kỳ thi. Đặc biệt, năm nay sẽ có thêm Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh tham gia giám sát kỳ thi.
Trước thông tin lo ngại về tính trung thực, khách quan khi kỳ thi giao về cho địa phương tổ chức, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ chia sẻ: Để giải quyết vấn đề này, Bộ sẽ tăng cường các giải pháp kỹ thuật, đặc biệt là công tác thanh tra, kiểm tra. Bộ đặt ra yêu cầu rất cụ thể đối với cán bộ, giảng viên đại học được trưng tập làm công tác thanh tra, kiểm tra. Nếu trường nào cử cán bộ không đảm bảo tiêu chuẩn thì Hiệu trưởng nhà trường chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng.