Từ 1/7/2020, hệ thống giáo dục toàn quốc bắt đầu hiện Luật Giáo dục 2019, với quy định giáo viên Mầm non phải có bằng tốt nghiệp Cao đẳng trở lên; giáo viên Tiểu học, Trung học phổ thông phải có bằng cử nhân trở lên. Nhiều trường Cao đẳng sư phạm trong cả nước bắt đầu chuyển đổi phương thức hoạt động, hoặc sáp nhập thành một khoa của trường Đại học, hoặc bị giải thể. Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt cũng ở trong hiện trạng này, nhưng nếu giải thể hoặc sáp nhập sẽ trở thành niềm tiếc nuối cho rất nhiều người, bởi mất đi thương hiệu hơn 40 năm qua.
Thạc sĩ Huỳnh Linh Bảo, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt cho biết: Năm học 2020- 2021, trường chỉ được tuyển sinh hệ Cao đẳng Mầm non với chỉ tiêu phân bổ 130 - 200 sinh viên, không tuyển sinh hệ Tiểu học và Trung học cơ sở nữa. Như vậy, trong năm học này, ngôi trường có quy mô đào tạo 3.000 - 3.200 sinh viên mỗi năm sẽ chỉ đào tạo 700 sinh viên theo học tại 17 lớp ở 8 ngành học. Khi các khóa đào tạo giáo viên Tiểu học, Trung học cơ sở đang theo học ra trường, trường chỉ còn nhiệm vụ đào tạo giáo viên Mầm non theo chỉ tiêu phân bổ với số lượng rất ít, nên đang đứng trước nguy cơ giải thể hoặc sáp nhập với các trường cao đẳng nghề khác. Hiện tại, trong 103 cán bộ, giảng viên và người lao động toàn trường, đã có 15 giảng viên không đủ số giờ lên lớp theo quy định, 6 giảng viên thực sự không có việc làm. Mặc dù nhà trường vẫn tổ chức liên kết đào tạo liên thông Đại học và bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục, tạo điều kiện có đủ thu nhập cho toàn bộ cán bộ, giảng viên trong trường, nhưng nguy cơ mất việc trong các năm tới là rất lớn.
Được biết, hiện tại, Ban giám hiệu Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi, kiến nghị sở Giáo dục và UBND tỉnh Lâm Đồng 2 phương án: một là để cho trường tồn tại và đào tạo chuyên ngành giáo dục Mầm non với cơ chế tuyển sinh mở rộng trong cả nước hoặc khu vực, theo cơ chế tự thu tự chi. Hai là thành lập Trường Trung học cơ sở - Trung học phổ thông tại trường, để giảm tải cho các trường phổ thông tại thành phố Đà Lạt đang quá tải hiện nay.
Thạc sĩ Huỳnh Linh Bảo cho biết: Nếu được Bộ Giáo dục và UBND tỉnh Lâm Đồng chấp thuận, thì phương án mở rộng quy mô đào tạo ngành Mầm non là rất khả thi, bởi qua khảo sát, hệ thống trường Cao đẳng sư phạm các tỉnh trong khu vực như Ninh Thuận, Bình Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Nông… đều đã giải thể hoặc sáp vào trường Đại học, nên nhu cầu sinh viên cả nước và khu vực theo học chuyên ngành Cao đẳng Mầm non rất lớn. Chưa kể Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt nằm ở vùng đất được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu, lại rất nổi tiếng với ngôi trường có kiến trúc đẹp nhất cả nước và thế giới, nên rất hấp dẫn sinh viên. Nếu được tuyển sinh rộng rãi, Ban giám hiệu dự đoán mỗi năm sẽ có từ 500 - 700 sinh viên đăng ký theo học theo mô hình sinh viên đóng học phí, nhà trường tự thu tự chi thay vì nhà nước bao cấp toàn bộ như hiện nay. Qua khảo sát nhiều năm, toàn bộ sinh viên hệ Mầm non của trường khi tốt nghiệp, đều có việc làm tại các cơ sở giáo dục cả trong và ngoài công lập.
Ông Huỳnh Quang Long, Phó Giám đốc Sở Giáo dục tỉnh Lâm Đồng cho biết: Trước những khó khăn do dôi dư nhân lực của Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt, Sở đang quan tâm giải quyết như đã đưa 5 giảng viên về làm cán bộ của sở, giới thiệu 1 giảng viên xuống làm việc tại 1 trường phổ thông… Tuy nhiên, về chiến lược lâu dài thì Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt phải tự chuyển biến cho phù hợp với thực tế. Trước giải phóng, ngôi trường này mang tên Trung tâm giáo dục Hùng Vương, là Trung tâm đào tạo chất lượng cao của cả miền Nam. Do đó chức năng bồi dưỡng chất lượng cao cho cán bộ quản lý giáo dục rất cần thiết, nhất là với tỉnh có tới 17.000 - 18.000 giáo viên như Lâm Đồng…
Với các phương án của Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt đề xuất, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Lâm Đồng cho biết rất ủng hộ. Tuy nhiên, trong phương án 1 phải được sự chấp thuận về chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo, được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt các cơ chế chính sách hoạt động. Bởi hiện nay, các trường sư phạm cả nước vẫn thực hiện chế độ bao cấp, Bộ Giáo dục và Đào tạo phân bổ chỉ tiêu cho từng trường và sinh viên đi học không phải đóng học phí. Phương án thứ 2 là thành lập Trường THPT - THCS trong trường Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt là khả thi nhất, vì thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh. Tuy nhiên, đây mới là những phương án của ngành Giáo dục tỉnh, có thể UBND tỉnh có những phương án hiệu quả hơn…
Được thiết kế và xây dựng vào những năm 1927, Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt do Kiến trúc sư Moncet thiết kế và chỉ đạo xây dựng, ban đầu mang tên Trường Petit Lycée Dalat, chỉ dành cho con em người Pháp và một số gia đình người Việt giàu có cùng con em quan chức các nước Đông Dương theo học. Năm 1932 trường được đổi tên thành Grand Lycée de Dalat - Lycée Yersin để tưởng niệm bác sĩ Alexandre Yersin.
Ngôi trường này mang kiến trúc Pháp tân cổ điển độc đáo, đậm phong cách châu Âu. Điểm nhấn ngôi trường là dãy phòng học bằng gạch trần đỏ uốn cong, ôm lấy khoảng sân rộng cùng tháp chuông liền kề, bao quanh ngôi trường là đồi thông xinh đẹp, tạo nên sự hiện đại pha một chút nét cổ kính, bí ẩn.
Tới tháng 9/1976, Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt được thành lập, với chức năng đào tạo giáo viên Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở và đào tạo cán bộ quản lý các cấp học này.
Với kiến trúc độc đáo, ngôi trường này đã trở thành điểm du lịch miễn phí của hàng chục triệu lượt khách du lịch trong nước, quốc tế và sinh viên các trường kiến trúc, hội họa, sư phạm…trong cả nước.
Do thiếu kinh phí hoạt động như chi phí về điện, nước, bảo vệ, dọn vệ sinh… vì đón khách hoàn toàn miễn phí, nên từ tháng 4/2019, Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt đã ngừng đón khách tham quan theo tour du lịch. Chỉ mở cửa đón các đoàn khách là cán bộ, sinh viên các cơ quan đơn vị, trường học trong và ngoài tỉnh nếu liên hệ từ trước.