Dịp này, UBND tỉnh Thanh Hóa đã trao tặng nhà trường bức trướng mang dòng chữ: “Trường Đại học Hồng Đức đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa và đất nước”.
Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng biểu dương, đánh giá cao những đóng góp to lớn, những hy sinh bền bỉ, thầm lặng và những thành tích mà các thế hệ thầy và trò Trường Đại học Hồng Đức đã đạt được trong suốt 25 năm qua. Đồng thời nhấn mạnh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa đã và đang nỗ lực phấn đấu xây dựng và phát triển Thanh Hóa đến năm 2025, nằm trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước, một cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc và đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.
Để thực hiện được mục tiêu lớn lao đó, Trường Đại học Hồng Đức đóng vai trò rất quan trọng, vì vậy, ngày 5/9/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kết luận số 935-KL/TU về xây dựng và phát triển Trường Đại học Hồng Đức đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là chủ trương, định hướng lớn nhằm hướng tới mục tiêu phát triển nhà trường từng bước trở thành trường đại học tự chủ, có hệ thống quản trị hiện đại, thông minh và chuyên nghiệp; trung tâm lớn về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo của tỉnh, khu vực và cả nước.
Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng đề nghị nhà trường tập trung quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện nghiêm túc các quan điểm, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về giáo dục - đào tạo, đặc biệt là Kết luận số 935-KL/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Nhà trường tiếp tục đổi mới toàn diện, thực chất mô hình quản trị đại học tiên tiến, phù hợp với tình hình thực tế; tích cực đổi mới nội dung, phương pháp, chương trình đào tạo, tiếp cận với trình độ của các trường đại học có uy tín trong nước và trên thế giới.
Nhà trường kết hợp chặt chẽ giữa giảng dạy, học tập với hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ. Thông qua hoạt động nghiên cứu khoa học để đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ giảng dạy, cán bộ nghiên cứu có trình độ lý luận và thực tế vững vàng.
Phát huy truyền thống tốt đẹp và những thành tích đạt được, nhà trường tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, tranh thủ thời cơ, thuận lợi, phấn đấu xây dựng Trường Đại học Hồng Đức trở thành trung tâm lớn về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo của tỉnh, khu vực và cả nước…
Trải qua 25 năm xây dựng và trưởng thành, quy mô trường, lớp, chất lượng đào tạo của nhà trường không ngừng được nâng cao, ngày càng khẳng định được vai trò, vị thế trong hệ thống giáo dục đại học nước nhà.
Những ngày đầu thành lập, nhà trường đào tạo 3 ngành đại học và 17 ngành cao đẳng. Đến nay, nhà trường đã được phép tự tổ chức đào tạo 5 chuyên ngành tiến sỹ, 20 chuyên ngành thạc sỹ, 1 chương trình thạc sỹ liên kết với Đại học Soongsil của Hàn Quốc, 34 ngành đào tạo kỹ sư, cử nhân bậc đại học và 18 ngành cử nhân bậc cao đẳng.
Nhờ đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy, chất lượng đào tạo của nhà trường có nhiều chuyển biến tích cực; tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm sau 1 năm đạt từ 70% đến 90%. Sau 25 năm xây dựng và phát triển, nhà trường đã đào tạo hơn 80 nghìn kỹ sư, cử nhân, thạc sỹ… đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung.
Cùng với hoạt động đào tạo, công tác nghiên cứu khoa học cũng được nhà trường đẩy mạnh. Trong 10 năm trở lại đây, nhà trường đã chủ trì thực hiện 2 dự án quốc tế, 18 đề tài, dự án cấp Nhà nước và tương đương; 44 đề tài, dự án cấp bộ; đề tài, dự án cấp tỉnh và 437 đề tài cấp cơ sở…