Trong 20 năm qua, Trường đại học Hồng Đức đã vinh dự tiếp nhận, đào tạo gần 1.000 lưu học sinh Lào. Riêng trong năm 2017, Trường đang đào tạo gần 300 lưu học sinh Lào. Đây cũng là những cán bộ nguồn cho tỉnh Hủa Phăn xây dựng quê hương đất nước trong tương lai.
Giờ thực hành của sinh viên khoa CNTT và Truyền thông tại Đại học Hồng Đức. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN |
Cô Hoàng Thị Mai, Phó Giáo sư-Tiến sỹ, Phó hiệu trưởng Trường đại học Hồng Đức vinh dự cho biết: Trong 20 năm qua, Trường đại học Hồng Đức đã trở thành một trong những cái nôi đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh Hủa Phăn. Đã có nhiều lưu học sinh học tại trường chúng tôi khi trở về nước đã góp phần cho sự phát triển quê hương, đất nước; trong đó, có nhiều người đảm nhiệm những chức vụ quan trọng của tỉnh Hủa Phăn như Giám đốc Sở Ngoại vụ Khăm Sinh, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Thể thao Viên Keo, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ Bun Luôi Súc Thi Vông... Qua đó trường đại học Hồng Đức cũng đã góp phần tô thắm thêm nghĩa tình đoàn kết keo sơn giữa hai tỉnh kết nghĩa anh em Thanh Hóa – Hủa Phăn. Với những thành tích này, mới đây Trường đại học Hồng Đức vinh dự được Chính phủ Lào tặng Huân chương hữu nghị Lào - Việt Nam.
Thực hiện chương trình hợp tác đào tạo giữa 2 tỉnh Thanh Hóa-Hủa Phăn, từ năm 2012, Trường đại học Hồng Đức đã cử giáo viên sang tỉnh Hủa Phăn để đào tạo cho học sinh chuẩn bị sang Thanh Hóa học tập. Tại Lào, các thầy cô đã giảng dạy tiếng Việt, văn hóa Việt cho các em học sinh Lào trong vòng 1 năm để khi sang Việt Nam học tập các em không bị bỡ ngỡ ở môi trường mới. Cách làm này vừa giảm bớt thời gian học tập tại Việt Nam, đồng thời giảm chi phí học tập cho các em học sinh Lào.
Thực hiện chương trình ký kết thỏa thuận hợp tác Thanh Hóa-Hủa Phăn, mỗi năm Thanh Hóa cung cấp 40 suất học bổng cho các học sinh Lào đến học tại trường đại học Hồng Đức. Các học sinh này khi học tại đây được hưởng trợ cấp trên 3 triệu đồng/tháng, ngoài ra còn được miễn phí toàn bộ tiền điện, nước, ký túc xá, Internet và được trang bị đầy đủ vật dụng sinh hoạt hằng ngày và được tặng một bộ comle...
Với các em học sinh Lào sang học theo diện tự nguyện cũng được nhà trường hỗ trợ miễn phí chỗ ở tại ký túc xá, miễn phí Internet. Khi sang học tại trường đại học Hồng Đức, những lưu học sinh Lào được nhà trường dành cho điều kiện tốt nhất về nơi ăn ở, sinh hoạt, học tập. Khu ký túc xá đẹp nhất đã được nhà trường dành riêng cho các em du học sinh Lào. Phòng ở của các em được trang bị đầy đủ chăn, ga, gối, đệm, quạt trần, bàn học tập và các tiện nghi sinh hoạt khác…
Các ngày lễ, Tết của cả hai nước Việt-Lào các em đều được tặng quà và hỗ trợ kinh phí tổ chức giao lưu văn hoá giữa sinh viên Việt và Lào nhằm tô thắm thêm tình thần đoàn kết hữu nghị của 2 nước. Hằng năm, nhà trường còn tổ chức cho các lưu học sinh Lào đi thăm các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử trong và ngoài tỉnh... Ngoài ra, các em sinh viên Lào còn được tham gia giao lưu, thi tài tìm hiểu kiến thức văn hóa Việt Nam với các trường đại học trên toàn quốc.
Tuy nhiên, khi các em học sinh Lào sang Việt Nam học tập cũng gặp không ít khó khăn, đặc biệt là đối với những lưu học sinh năm thứ nhất, thứ 2 bởi các em còn lạ lẫm nhiều điều, tiếng Việt lại chưa sõi... Hiểu được những khó khăn này, các thầy cô nhà trường và các bạn sinh viên trường đại học Hồng Đức đã nhiệt tình hỗ trợ, giúp đỡ các em để các em vơi đi nỗi nhớ nhà, tập trung học tập nâng cao kiến thức. Thầy Nguyễn Hoàng Hà, giáo viên Khoa Kỹ thuật công nghệ trường đại học Hồng Đức cho biết: Để các em lưu học sinh Lào nhanh chóng bắt nhịp được với các bạn trong lớp, tôi thường bố trí cho các em ngồi bàn đầu, xen kẽ với những sinh viên Việt Nam có thành tích học tập tốt để các bạn này giúp đỡ các em lưu học sinh Lào. Bên cạnh đó, nhà trường cũng có đội sinh viên tình nguyện là đoàn thanh niên, hội sinh viên đến tận ký túc xá để giúp đỡ các em lưu học sinh Lào học tiếng Việt, tìm hiểu văn hóa Việt và bản sắc dân tộc Việt Nam và tỉnh Thanh Hóa.
Khi đến thăm khu ký túc xá dành cho lưu học sinh Lào, bắt gặp Dovathon My Say, sinh viên K17 Khoa Công nghệ thông tin, mới gặp ai cũng nghĩ em là người Việt Nam bởi em nói tiếng Việt rất sõi, nếu không có người giới thiệu khó biết được em là người Lào. Dovathon tự hào cho biết: Nhà trường có phong trào gì em đều tham gia sôi nổi, nhiệt tình, nhất là vào những dịp có sự kiện giao lưu giữa sinh viên Việt-Lào em đều "cháy hết mình". Dovathon và các bạn Lào cũng vinh dự tham gia cuộc thi tài tìm hiểu văn hóa Việt Nam tại tỉnh Phú Thọ vào năm 2017. Em và các bạn đã đạt giải nhì tại cuộc thi này. Khi được hỏi về dự kiến trong tương lai, Dovathon mơ ước sau khi học xong sẽ được làm đúng chuyên ngành viễn thông tại tỉnh Hủa Phăn để mang những kiến thức đã học tập tại Việt Nam áp dụng vào thực tế góp phần xây dựng quê hương đất nước Lào.
Còn anh Bun Luôi Súc Thi Vông, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Hủa Phăn, là cựu sinh viên khoa Anh văn khóa 1997-1999 trường đại học Hồng Đức cho biết: Ngay từ ngày mới vào trường tôi đã được các thầy cô, bạn bè Việt Nam giúp đỡ tận tình cả trong học tập cũng như trong cuộc sống hằng ngày. Sau khi tốt nghiệp ra trường, tôi đã mang những kiến thức học được để góp phần xây dựng tỉnh Hủa Phăn. Giờ đây tôi tiếp tục học lên cao hơn cũng ngay tại mái trường đại học Hồng Đức ( lớp K19 Việt Nam học, Khoa Xã hội) bởi tôi coi Thanh Hóa như quê hương thứ 2 của mình.
Ngoài học tập chuyên môn, các lưu học sinh Lào cũng rất tích cực tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao do nhà trường tổ chức như giao lưu đá bóng giữa sinh việt Việt-Lào, phong trào văn nghệ chào mừng ngày nhà giáo Việt Nam... Nhưng vui nhất là những ngày lễ tết của hai nước. Trong thời gian nghỉ học nhiều sinh viên Lào còn về quê các bạn sinh viên người Việt thăm gia đình cùng ăn Tết trong không khí đầm ấm như anh em ruột thịt.