Tuy địa hình không cách trở, khoảng cách từ nhà đến trường không xa nhưng những trường tiểu học đóng trên địa bàn các xã vùng thấp, vùng trung du lại khó khăn về hệ bán trú cho học sinh.
Ở bậc tiểu học, đông đảo phụ huynh có mong muốn cho con em mình nghỉ lại trường vào buổi trưa để buổi chiều tiếp tục học.
Ký túc xá của học sinh dân tộc tại Trường phổ thông dân tộc bán trú Hưng Đạo, huyện Bảo Lạc (Cao Bằng).Ảnh: Quân Trang - TTXVN |
Trên thực tế, việc tổ chức cho học sinh học hai buổi/ngày là phù hợp song việc đi lại, đưa đón đối với các em lại đang là vấn đề khó khăn đối với đa số phụ huynh. Bởi lẽ, nếu trường học không có hệ bán trú buổi trưa dành cho học sinh thì phụ huynh phải đưa đón con em mình bốn lần/ngày: Buổi sáng đưa con đến trường, đến mười giờ ba mươi phút phải đến đón các cháu về nhà, nấu ăn trưa, nghỉ ngơi ở nhà rồi 13 giờ 30 lại đưa con em đến trường và 16 giờ 30 lại đến đón. Như thế, riêng việc đưa đón con em đã chiếm nhiều khoảng thời gian trong ngày.
Việc đưa đón nhiều lần trong ngày như vậy đối với các gia đình có con em học bậc tiểu học ở các trường học ở nhiều vùng quê đã có ảnh hưởng lớn đến công việc của phụ huynh. Thậm chí việc các con tham gia giao thông cùng bố mẹ với tần suất dày đặc cũng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.
Khó khăn nhất là những gia đình cả hai vợ chồng làm công chức, thời gian làm việc khá kín và làm cách trường một khoảng cách xa. Như thế, vào những giờ đưa đón, họ khó lòng có thể bỏ dở công việc để đến trường đón con em mình rồi buổi trưa về nhà chuẩn bị bữa trưa cho các cháu.
Gia đình Nguyễn Ngọc Dũng ở Ấm Hạ (Hạ Hòa - Phú Thọ) chia sẻ: “Gia đình tôi sắp có con học tiểu học, vì trường không có bán trú buổi trưa nên rất lo lắng về chuyện đưa đón. Vì cả hai vợ chồng làm giáo viên, dạy xa nhà gần chục cây số nên việc bố trí thời gian để đón con là việc quá khó khăn”.
Không chỉ có gia đình công chức gặp khó khăn mà kể cả những nhà làm nghề nông hay làm thuê cũng chật vật chuyện đưa đón con.
Bởi ngày nào cũng vậy, vào giờ ấy, bất luận đang làm công việc gì, ở đâu cũng phải gác lại để đến trường đón con. Tuy nhiên vào thời điểm đón, cả sáng, cả chiều thì thời gian làm việc của họ vẫn chưa kết thúc.
Gia đình chị Đỗ Thị Huyền ở Hạ Hòa (Phú Thọ) tuy cả hai vợ chồng làm nghề tự do nhưng do đặc thù công việc là nghề xây, ông bà lại già yếu nên buổi sáng đưa con đến trường thì được nhưng đón đưa trước và sau buổi trưa là việc khó khăn. “Chúng tôi chỉ mong nhà trường có hệ bán trú buổi trưa để các cháu được ăn trưa, nghỉ trưa tại trường, phụ huynh cũng đỡ vất vả”, chị Huyền chia sẻ.
Trên thực tế, nhiều địa phương ở vùng thấp, vùng trung du, ngoài bậc mầm non có 100% số trường có bán trú buổi trưa thì đối với các trường bậc tiểu học, việc bố trí chế độ bán trú cho học sinh gặp rất nhiều khó khăn và có rất ít trường tổ chức được. Có chăng chỉ được trường ở trung tâm thị trấn, nơi có điều kiện cơ sở vật chất tốt hơn cả mới tổ chức được.
Như thế, mặc dù một ngày phải đưa đón con em mình tới bốn lần nhưng vì các cháu còn nhỏ, chưa tự đi lại được nên các bậc phụ huynh cũng phải cố gắng sắp xếp công việc để đưa đón các cháu. Có gia đình không bố trí được thì nhờ người đón.
Tại huyện miền núi Hạ Hòa (Phú Thọ), cả huyện có 33 trường tiểu học với 315 lớp; 7.862 học sinh đóng trên địa bàn 33 xã và thị trấn. Trong số đó, chỉ có duy nhất trường tiểu học thị trấn Hạ Hòa là có hệ bán trú buổi trưa nhưng chỉ duy trì đến hết lớp 3. Điều đó đồng nghĩa với việc những trường còn lại ở các xã tuy vẫn duy trì học hai buổi/ngày nhưng không có hệ bán trú buổi trưa.
Anh Nguyễn Phương Nam (Hạ Hòa - Phú Thọ), một phụ huynh học sinh chia sẻ, do công việc, bí về mặt thời gian đưa đón con nên khi con anh vào lớp 1, gia đình anh phải xin cho con học ngoài thị trấn, cách nhà gần chục cây số để cho cháu ở lại trường buổi trưa để chiều học tiếp.
Trao đổi với nhiều hiệu trưởng các trường tiểu học ở vùng thấp, chúng tôi nhận thấy, đa số các trường và phụ huynh học sinh đều mong tổ chức chế độ bán trú buổi trưa nhưng muốn tổ chức được mô hình này thì không phải là việc ngày một ngày hai là làm được.
Có nhiều yếu tố liên quan đến tổ chức bán trú như bếp ăn, phòng nghỉ trưa, cơ sở vật chất, trang thiết bị, vệ sinh an toàn thực phẩm, nhân lực… Mà điều kiện các trường học ở vùng nông thôn, miền núi chưa thể đáp ứng được ngay. Cần phải có kế hoạch, lộ trình và điều quan trọng là sự quan tâm của các cấp chính quyền, sự đồng thuận của phụ huynh học sinh và nhân dân.