Đến nay, hầu hết các trường ở vùng cao trên khắp cả nước đã lập mô hình bán trú, tạo điều kiện tốt nhất cho con em đồng bào các dân tộc được học tập, sinh hoạt trong môi trường tốt nhất.
Nếu như trước đây, chỉ có học sinh ở các trường PTDTNT huyện mới được ăn, ở sinh hoạt tại trường, còn các cấp học ở các trường vùng cao đóng chân ở các xã đều không có mô hình bán trú, gây khó khăn không nhỏ đến việc dạy và học. Có em nhà cách trường chục cây số đường dốc núi, nhưng hằng ngày vẫn phải lặn lội đến trường học chữ; còn đại đa số em do nhà quá xa, phải mất nửa ngày đi bộ đường đèo dốc mới đến được trường. Có em phải gắng gượng thuê căn nhà tạm để ở lại học tập; có em phải làm cái lán tạm bợ ở cạnh trường để học, mùa đông thì lạnh buốt, mùa hè thì nóng nực, không đảm bảo sức khỏe.
Mô hình bán trú đã nâng tỷ lệ học sinh chuyên cần lên cao. |
Có chỗ ở rồi, nhưng việc ăn uống, sinh hoạt hằng ngày vô cùng thiếu thốn và khó khăn. Các em phải tự lo những nồi cơm rau hằng ngày để ổn định công việc học tập. Cũng chính vì những khó khăn ấy, nỗi lo về tỷ lệ chuyên cần của học sinh đã trở thành một “gánh nặng” đối với thầy cô giáo tại các trường vùng cao. Tỷ lệ học sinh bỏ học ở các trường học vùng cao trước đây luôn ở mức cao, đặc biệt là vào các dịp sau nghỉ hè, sau nghỉ Tết Nguyên đán hoặc vào tháng giáp hạt. “Vào những dịp này, chúng tôi lại phải cắt cử giáo viên xuống tận các thôn bản phối hợp với chính quyền, người có uy tín… tới tận nhà để động viên phụ huynh học sinh cho các em đến trường”, cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hiền, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Pá Hu, xã Pá Hu, huyện Trạm Tấu, Yên Bái chia sẻ.
Các học sinh bán trú được ở trong những căn phòng kiên cố, sạch đẹp. |
Nhờ mô hình này, các chế độ, chính sách hỗ trợ cho học sinh dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa được áp dụng và đưa vào phục vụ cho công tác bán trú. “Sau mỗi buổi học, thay cho việc các em phải “ngược sơn” về bản trên con đường xa xôi, thì nay các em được ở lại trong những căn phòng ấm cúng có đủ những điều kiện phục vụ cho sinh hoạt hằng ngày; được học các kỹ năng sống cũng như các kiến thức về chăn nuôi, trồng trọt, từ đó về tuyên truyền cho người thân trong gia đình và bà con chòm xóm áp dụng để phát triển kinh tế. Đặc biệt, bữa ăn nóng hổi hằng ngày tại bếp ăn bán trú đã giúp học trò vùng cao ấm lòng và phụ huynh hoàn toàn yên tâm cho con đến trường học chữ.”, thầy giáo Phạm Văn Khiên, Hiệu trưởng trường THBT Trung Chải, huyện Mường Nhé (Điện Biên) chia sẻ.
Nhờ mô hình bán trú được tổ chức cùng với những hình thức hoạt động vừa thân thiện, vừa mang tính giáo dục cao tại nhà bán trú, các em học sinh vùng cao đã coi đây là ngôi nhà, là mái ấm của mình. “Chúng em cảm thấy gắn bó và có thêm quyết tâm học tập khi được Nhà nước hỗ trợ, được thầy cô chăm lo hằng ngày”, em Em Mùa Thị Ca, học sinh lớp 6A, Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Pá Hu chia sẻ niềm vui khi được ở nhà bán trú. Cũng từ mô hình này, nỗi lo về duy trì sĩ số học sinh đã gần như không còn ở nhiều trường học vùng cao nữa.
“Từ khi có mô hình trường học bán trú, tỷ lệ duy trì sĩ số học sinh tại các nhà trường vùng cao luôn chiếm từ 98-100% học sinh trong độ tuổi. Đặc biệt, phụ huynh và học sinh đã nhận thức được sâu sắc vai trò của sự học và quyết tâm theo học hết cấp. Đó cũng là tín hiệu vui đối với các trường học ở vùng cao. Bởi lẽ, khi điều kiện cần và đủ được đảm bảo thì việc nhận thức về vai trò của sự học và việc tiếp nhận con chữ sẽ trở nên dễ dàng hơn”, Trần Văn Kiên, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé (Điện Biên) khẳng định.