Từ năm học 2017, các môn học mới xuất hiện theo hướng thực hành

Một số môn học mới sẽ xuất hiện trong thời khóa biểu của học sinh từ năm học 2017 – 2018. Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình thì những môn học mới này sẽ thiên về thực hành hơn là lý thuyết.

Các môn mới có tên là: Hoạt động trải nghiệm sáng tạo, Chuyên đề học tập, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Ngoại ngữ 2.

GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết, các môn học mới hướng tới thực hành nhiều. Ảnh: TTXVN

Theo Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể thì ở môn học “Hoạt động trải nghiệm sáng tạo” học sinh đã được học từ lớp 1 đến lớp 12 với 5 lĩnh vực: Phát triển cá nhân; Cuộc sống gia đình; Đời sống nhà trường; Quê hương, đất nước và cộng đồng xã hội; Nghề nghiệp và phẩm chất người lao động.


Nội dung chương trình được thiết kế theo nguyên tắc tích hợp, kết hợp đồng tâm và tuyến tính. Các chủ đề được xây dựng mang tính chất mở với những nội dung hoạt động bắt buộc cho tất cả học sinh trong cả nước và nội dung mang tính phân hoá tuỳ theo nhu cầu, năng lực, sở trường của học sinh cũng như điều kiện đáp ứng của cơ sở giáo dục.


Đây là hoạt động giáo dục mà học sinh dựa trên sự tổng hợp kiến thức của nhiều lĩnh vực giáo dục và nhóm kỹ năng khác nhau để trải nghiệm thực tiễn đời sống và tham gia hoạt động phục vụ cộng đồng dưới sự hướng dẫn và tổ chức của nhà giáo dục. Qua đó hình thành những phẩm chất chủ yếu, năng lực chung và một số năng lực thành phần đặc thù của hoạt động này: năng lực thiết kế và tổ chức hoạt động; năng lực thích ứng với sự biến động của nghề nghiệp và cuộc sống.


Lấy ví dụ về môn học này, GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết, như các trường phổ thông hướng dẫn học sinh trồng cây. Học sinh sẽ phải nghiên cứu trồng cây gì phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, phù hợp yêu cầu của thị trường; Lấy hạt giống ở đâu, làm giàn cho như thế nào…. Khi chuẩn bị học sinh đã phải nghiên cứu thức trong các môn và kiến thức xã hội… Hoạt động trải nghiệm sáng tạo diễn ra ở nhiều nơi với hình thức đa dạng. Trong chương trình giáo dục phổ thông này, đây là nội dung học tập có tính ứng dụng.


Môn tiếp theo là “Giáo dục kinh tế và pháp luật”. Theo GS Nguyễn Minh Thuyết thì tiền thân của môn học này là môn Giáo dục công dân mà ở bậc tiểu học gọi là “Giáo dục lối sống”. Mông Giáo dục kinh tế và pháp luật sẽ được bắt đầu và bắt buộc từ lớp 10. Sẽ là môn học tự chọn bắt buộc ở lớp 11 và 12. Nội dung chủ yếu của môn học này là học vấn phổ thông, cơ bản về kinh tế pháp luật.


Ở lớp 10, môn học này giúp học sinh hoàn thiện thêm một bước các phẩm chất, năng lực đã được định hình trong giai đoạn giáo dục cơ bản, đồng thời có cái nhìn tổng quát về lĩnh vực kinh tế và pháp luật. Từ đó đánh giá đúng nguyện vọng, sở trường của bản thân để lựa chọn môn học ở lớp 11 và lớp 12 một cách phù hợp.


Ở lớp 11 và lớp 12 sẽ dành cho những học sinh định hướng theo học các ngành nghề Giáo dục chính trị, Giáo dục công dân, Kinh tế, Hành chính và Pháp luật. Nội dung chủ yếu của môn học gồm những vấn đề kinh tế và pháp luật mang tính ứng dụng, thiết thực đối với định hướng nghề nghiệp sau THPT của học sinh.


Với tên môn “Chuyên đề học tập” dành cho học sinh lớp 11 và lớp 12 giúp học sinh phát triển khả năng vận dụng kiến thức và kỹ năng của nhiều môn học để giải quyết các vấn đề thực tiễn có tính chất phức hợp. Qua đó, tạo cơ hội cho học sinh tiếp cận với nghề nghiệp phù hợp với sở thích, năng lực và thực tiễn địa phương.


Thời lượng giáo dục cho mỗi chuyên đề học tập là 15 tiết. Các trường THPT căn cứ vào nguyện vọng của học sinh, điều kiện cụ thể của trường hoặc liên trường để tổ chức dạy học các chuyên đề học tập. Hệ thống các chuyên đề học tập của mỗi trường có thể được thay đổi, bổ sung qua các năm học. Người dạy chuyên đề học tập là giáo viên đã được đào tạo, bồi dưỡng hoặc là doanh nhân, nghệ nhân,... có hiểu biết, kinh nghiệm thực tiễn trong lĩnh vực chuyên môn của chuyên đề học tập đó.


Cũng từ năm 2017, bên cạnh ngoại ngữ 1 được bắt đầu từ lớp 3-12 thì ngoại ngữ 2 được đưa vào nhà trường từ lớp 6 với hình thức môn học tự chọn. GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết: “Ngoại ngữ 2 này không giới hạn nhưng cần nằm trong chương trình đào tạo được Bộ GD-ĐT duyệt, đã có SGK, có giáo viên dạy thì mới có thể đưa vào. Môn học này nhằm đáp ứng nhu cầu của các em có năng khiếu hoặc những học sinh thấy khó có khả năng thi vào các trường đại học khối có môn tiếng Anh, học và thi khối khác liên quan đến ngoại ngữ khác”.


Lê Vân (Báo Tin Tức )
Chương trình giáo dục phổ thông mới: Dạy học sinh biết định hướng nghề nghiệp và giỏi quan hệ xã hội
Chương trình giáo dục phổ thông mới: Dạy học sinh biết định hướng nghề nghiệp và giỏi quan hệ xã hội

Chiều ngày 12/4, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD- ĐT) đã tổ chức cuộc họp báo công bố dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN