Tư vấn tâm lý đẩy mạnh giáo dục toàn diện

Ngày 20/1, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức hội thảo “Công tác tổ chức các hoạt động văn hóa và tư vấn tâm lý trong nhà trường”. Hội thảo nhằm đánh giá công tác triển khai Quyết định 60 về quy định tổ chức hoạt động văn hóa cho học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục đại học và trung cấp chuyên nghiệp và đánh giá công tác tư vấn tâm lý trong nhà trường.


Nghệ nhân Lê Thị Bích Thủy, giáo viên Trường Tiểu học Làng Sen, xã Kim Liên giảng dạy dân ca cho các học sinh. Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN


Hầu hết học sinh sinh viên đều có nhu cầu tư vấn tâm lý


Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiến hành khảo sát gần đây do tiến hành trên một số trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, đại học ở Hà Nội, Hải Dương về nhu cầu tư vấn tâm lý. Kết quả khảo sát cho thấy: Hầu hết học sinh, sinh viên (93,57%) được hỏi cho biết có gặp phải những khó khăn vướng mắc trong học tập, đời sống hàng ngày và cần chia sẻ. Đặc biệt ở lứa tuổi học sinh phổ thông, mức độ thường xuyên có những vướng mắc và cần chia sẻ là cao nhất với 80,17%. Nguyên nhân của nhu cầu này do sự phát triển kinh tế - xã hội ngày càng đa dạng và phức tạp. Bên cạnh các hệ giá trị mới được hình thành trong quá trình hội nhập cũng nảy sinh không ít những ảnh hưởng tiêu cực, tác động trực tiếp đến đời sống tâm lý lứa tuổi học sinh sinh viên. Những tác động này nếu không được tư vấn, định hướng, giải tỏa kịp thời thì rất dễ dẫn đến hậu quả đáng tiếc.


Phía các nhà trường cũng từng bước tổ chức thực hiện công tác tư vấn tâm lý: thành lập phòng tư vấn tâm lý và các câu lạc bộ tư vấn tâm lý. Nhiều hình thức tư vấn được tổ chức qua gia đình, giáo viên, bạn bè; qua điện thoại, email, hoặc qua các diễn đàn, các trang mạng xã hội; thông qua các buổi sinh hoạt chuyên đề… Nội dung tư vấn rất đa dạng: Học tập và định hướng nghề nghiệp; tư vấn tình cảm; tư vấn sức khỏe sinh sản; tư vấn về các hoạt động thể thao, giải trí; tư vấn các hoạt động tình nguyện và hỗ trợ cộng đồng,… Công tác tư vấn tâm lý học đường trong thời gian qua đã có những chuyển biến bước đầu và đạt được những kết quả nhất định, đáp ứng được một phần nhu cầu của học sinh sinh viên, chia sẻ những thăng trầm trong cuộc sống.Việc tư vấn này cũng góp phần định hướng, hỗ trợ các em vượt qua những khó khăn trong học tập, rèn luyện cũng như trong cuộc sống.


Ngoài công tác tư vấn tâm lý, các nhà trường đã chú trọng xây dựng môi trường văn hóa, qua đó giáo dục nhân cách, lối sống cho học sinh sinh viên. Các nhà trường đã từng bước xây dựng, hoàn thiện và triển khai thực hiện quy tắc ứng xử văn hóa, góp phần xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, thân thiện giúp học sinh phát huy tính tích cực trong học tập, rèn luyện và chủ động tham gia các hoạt động xã hội, rèn luyện kỹ năng sống, định hướng nghề nghiệp. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần hoàn thiện nhân cách và kỹ năng sống của học sinh, sinh viên cũng như nâng cao hiệu quả công tác giáo dục toàn diện cho thế hệ trẻ hiện nay.


Tuy nhiên, thực tế hiện nay cán bộ tư vấn tâm lý chỉ là kiêm nhiệm, chưa được đào tạo cơ bản, chưa được tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ và cũng chưa có chỉ tiêu biên chế trong các nhà trường. Đối với các trường đại học, hiện nay hầu hết đã chuyển từ phương thức đào tạo theo niên chế sang đào tạo theo tín chỉ. Do đó, việc tập hợp, nắm bắt diễn biến tâm lý, tâm tư nguyện vọng của sinh viên gặp không ít khó khăn… Trong khi đó, phần lớn học sinh được hỏi (82,31%) đều có mong muốn nhà trường, cơ sở giáo dục có phòng tư vấn tâm lý riêng, kín đáo để thuận tiện cho các em có thể đến và chia sẻ về các vấn đề tâm lý của bản thân. Đa phần các em mong muốn trong nhà trường có cán bộ chuyên trách tư vấn tâm lý được đào tạo bài bản, có chuyên môn về tâm lý học đường để các em chia sẻ những khó khăn vướng mắc trong cuộc sống.


Xây dựng và hoàn thiện quy tắc ứng xử văn hóa trong nhà trường ở tất cả các cơ sở giáo dục


Xây dựng và hoàn thiện quy tắc ứng xử văn hóa trong nhà trường ở tất cả các cơ sở giáo dục là một trong những giải pháp đẩy mạnh giáo dục toàn diện cho học sinh sinh viên. Bộ Giáo dục và Đào tạo luôn xác định công tác tổ chức các hoạt động văn hóa và tư vấn tâm lý có vai trò đặc biệt quan trọng, là một trong những giải pháp để tổ chức hiệu quả các hoạt động giáo dục.


Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh sinh viên Ngũ Duy Anh khẳng định: Thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ xây dựng chuẩn mực đạo đức, văn hóa ứng xử cho học sinh sinh viên phù hợp với ngành đào tạo và đặc thù từng trường. Quy chế này cũng góp phần tăng cường các hoạt động văn hóa, văn nghệ trong nhà trường qua đó tạo sân chơi lành mạnh cho học sinh sinh viên; xây dựng và hoàn thiện quy tắc ứng xử văn hóa trong nhà trường ở tất cả các cơ sở giáo dục; coi trọng giáo dục đạo đức, lối sống có văn hóa và rèn luyện năng lực thực hành cho học sinh sinh viên.


Về công tác tư vấn tâm lý trong nhà trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các nhà trường tập trung tư vấn các mối quan hệ trong xã hội; tư vấn các vấn đề tâm lý lứa tuổi vị thành niên, thanh niên; tâm lý học giới tính và sức khỏe sinh sản; tư vấn tâm lý gia đình; tư vấn tâm lý học nghề nghiệp; tư vấn các vấn đề của xã hội hiện đại; tư vấn phương pháp học tập ở đại học.


Các hình thức tư vấn cần được đa dạng hóa để nâng cao hơn nữa hiệu quả của hoạt động tư vấn tâm lý. Việc tư vấn cũng cần coi trọng công tác tư vấn cá nhân, giúp các em tự tin, có khả năng giải quyết những khó khăn trong cuộc sống, tạo ra sự cân bằng tâm lý, học tập đạt kết quả tốt, mở rộng giao lưu và hoàn thiện nhân cách. Các đơn vị giáo dục cần thường xuyên tổ chức chương trình nói chuyện chuyên đề giữa các chuyên gia tư vấn với học sinh sinh viên về tâm lý trong học tập, giới tính, sức khỏe sinh sản, định hướng nghề nghiệp, kỹ năng mềm… Xây dựng các phòng tư vấn tâm lý riêng ở nơi kín đáo, lịch sự tạo tâm lý thoải mái, gần gũi cho học sinh sinh viên khi đến liên hệ; Đầu tư cơ sở vật chất cho các nhà trường về sân chơi, bãi tập, bể bơi…


Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho biết sẽ quan tâm đào tạo chuyên sâu đội ngũ cán bộ tư vấn tâm lý trong nhà trường. Đồng thời có cơ chế, chính sách đảm bảo cho người thực hiện công tác tư vấn tâm lý hợp lý, tương đối ổn định, yên tâm với nghề nghiệp.



Ngọc Anh (TTXVN)

Đổi mới giáo dục nghề nghiệp
Đổi mới giáo dục nghề nghiệp

Thực hiện chiến lược quy hoạch phát triển giáo dục nghề nghiệp, từ 2011 đến nay, giáo dục nghề nghiệp đã có những bước phát triển đáng kể, từng bước được đổi mới và phát triển.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN