Thực hiện chiến lược quy hoạch phát triển giáo dục nghề nghiệp, từ 2011 đến nay, giáo dục nghề nghiệp đã có những bước phát triển đáng kể, từng bước được đổi mới và phát triển. Tuy nhiên, trong giai đoạn mới, vẫn còn nhiều thách thức đặt ra đòi hỏi các cơ quan quản lý Nhà nước, cơ sở đào tạo cần nỗ lực để có thể phát triển công tác giáo dục nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu của xã hội. Chuyển biến tích cực Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã có chủ trương “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục”, cụ thể hóa bằng Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, trong đó có đào tạo nghề.
Đoàn kiểm tra công tác luyện thi tại Trường Cao đẳng nghề Công nghệ và Nông lâm Đông Bắc.Ảnh: Anh Tuấn – TTXVN |
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật được bổ sung, cập nhật kịp thời. Phát triển và đổi mới toàn diện công tác dạy nghề được thể thiện trong các Nghị quyết, Kết luận của Bộ Chính trị, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, trong đó đã xác định rõ vị trí quan trọng của giáo dục nghề nghiệp trong phát triển nguồn nhân lực, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp không ngừng tăng, các điều kiện đảm bảo chất lượng của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được củng cố và phát triển, năng lực đào tạo của hệ thống giáo dục nghề nghiệp tăng đáng kể.
Giai đoạn 2011 - 2015, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh được gần 12.000 người, thí điểm đào tạo 34 nghề cấp độ quốc tế. Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp phát triển rộng khắp cả nước, đa dạng về loại hình, trình độ đào tạo, mô hình hoạt động với hơn 2,5 nghìn cơ sở. Đội ngũ giáo viên phát triển nhanh cả về số lượng, chất lượng, trình độ đào tạo, kỹ năng sư phạm, từng bước khắc phục bất hợp lý về cơ cấu ngành nghề, đáp ứng yêu cầu các trình độ đào tạo. Chương trình đào tạo được xây dựng dựa trên yêu cầu thực tế, đổi mới theo phương pháp tiên tiến của thế giới; khung pháp lý làm cơ sở để triển khai hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp được xây dựng...
Các nguồn lực đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp đã có bước chuyển tích cực, có bước phát triển theo xu hướng xã hội hóa. Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập phong phú về hình thức tổ chức, đa dạng về phương thức đào tạo theo nguyên tắc tự trang trải kinh phí hoạt động. Đào tạo từng bước chuyển từ hướng "cung" sang "cầu", phù hợp với chiến lược phát triển nhân lực, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, gắn với nhu cầu của doanh nghiệp; tăng nhanh tỷ lệ người học được đào tạo nghề trong các doanh nghiệp và tại nơi làm việc.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội dự báo đến năm 2020, lực lượng lao động làm việc trong nền kinh tế gần 63 triệu người, số lao động trong độ tuổi là 52,8 triệu người; tổng số nhân lực qua đào tạo năm 2020 khoảng gần 44 triệu người (chiếm khoảng 70,0% trong tổng số gần 63 triệu người làm việc trong nền kinh tế). Trong tổng số nhân lực qua đào tạo, số nhân lực qua đào tạo nghề năm 2020 khoảng 34,4 triệu (bằng 78,5%); số nhân lực đào tạo qua hệ thống giáo dục - đào tạo năm 2020 khoảng 9,4 triệu (bằng 21,5%).
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, quá trình quốc tế hóa sản xuất và phân công lao động diễn ra ngày càng sâu sắc, bên cạnh sự hợp tác là sự cạnh tranh ngày càng quyết liệt; chất lượng nguồn nhân lực sẽ là yếu tố quyết định nâng cao năng lực cạnh tranh và sự thành công của mỗi quốc gia. Việc mở cửa thị trường lao động tạo ra sự dịch chuyển lao động giữa các nước, đòi hỏi các quốc gia phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của mình. Mặt khác, người lao động phải có năng lực cạnh tranh cao (trên cơ sở nâng cao vốn nhân lực, năng lực nghề nghiệp).
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 761/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển trường nghề chất lượng cao đến năm 2020 với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 40 trường nghề chất lượng cao đủ năng lực đào tạo một số nghề được các nước tiên tiến trong khu vực ASEAN hoặc quốc tế công nhận. Đề án được coi như "đòn bẩy" góp phần đổi mới căn bản, toàn diện đào tạo nghề ở Việt Nam và đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. 45 trường nghề trên cả nước được Chính phủ chọn đầu tư tập trung, đồng bộ theo tiêu chí trường nghề chất lượng cao.
Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt khung trình độ Quốc gia. Đây được xem là “chìa khóa" quan trọng khi thị trường lao động ASEAN được mở rộng vào năm 2015, khi đó người lao động được tự do di chuyển trong khối và kỹ năng nghề được công nhận trong thị trường lao động của từng nước và giữa các nước.
Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Giáo dục nghề nghiệp trên cơ sở Luật Dạy nghề và Luật Giáo dục, trong đó quy định rất nhiều nội dung tiên tiến, tiếp thu được những điểm mạnh của hệ thống giáo dục nghề nghiệp của các nước tiên tiến trên thế giới. Theo Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân, sau khi Luật Giáo dục nghề nghiệp được Quốc hội thông qua, mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp càng lớn, quy mô càng tăng, sẽ làm thay đổi toàn bộ cơ cấu và cục diện giáo dục nghề nghiệp, đòi hỏi phải xây dựng mới các văn bản dưới Luật để hướng dẫn. Hiện, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang phối hợp với các bộ, ngành xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đồng bộ trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp làm cơ sở triển khai thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục...
Phúc Hằng