Tiếp tục sử dụng kết quả kỳ thi riêng
Trường Đại học Hà Nội vừa công bố đề án tuyển sinh đại học chính quy năm 2022. Trong đó, Trường tuyển sinh theo ba phương thức.
Cụ thể, phương thức 1. Xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) (5% chỉ tiêu).
Phương thức 2. Xét tuyển kết hợp theo quy định của nhà trường (45% chỉ tiêu). Bao gồm 9 nhóm đối tượng: Học sinh thuộc lớp chuyên, lớp song ngữ tại các trường THPT chuyên, THPT trọng điểm; học sinh tại các trường THPT trên cả nước có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế; thí sinh có điểm thi đánh giá năng lực của các bài thi quốc tế như ACT, SAT, A-Level; thí sinh là thành viên đội tuyển Học sinh giỏi Quốc gia; thí sinh đạt giải Nhất, Nhì, Ba trong các kỳ thi Học sinh giỏi cấp tỉnh, thành phố trở lên; thí sinh tham gia cuộc thi tháng của chương trình “Đường lên đỉnh Olympia” do Đài truyền hình Việt Nam tổ chức; thí sinh tham gia thi Đánh giá năng lực do trường Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh tổ chức hoặc đánh giá tư duy do trường Đại học Bách Khoa Hà Nội tổ chức (15% chỉ tiêu).
Phương thức 3. Xét tuyển bằng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 (tối thiểu 50% chỉ tiêu).
Theo TS Nguyễn Tiến Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội thì điểm mới trong phương thức tuyển sinh của Trường năm nay chính là phương thức xét tuyển kết hợp để tăng cơ hội trúng tuyển cho thí sinh. Đó là, Trường dành 15% chỉ tiêu xét chọn các thí sinh có kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh và kỳ thi kỳ thi đánh giá tư duy của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cũng đưa ra phương thức xét tuyển đại học chính quy năm 2022. Bên cạnh việc xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT, dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT và phương thức xét học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố, chứng chỉ quốc tế như năm ngoái thì Trường dự kiến bổ sung xét tuyển dựa trên kết quả học tập ở bậc THPT, kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và đánh giá tư duy do Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức. Tỷ lệ chỉ tiêu cho mỗi kỳ thi đánh giá là 10% và dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT 60%.
Bên cạnh những phương thức xét tuyển truyền thống như xét tuyển thẳng, dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, xét học bạ thì mới đây khi công bố đề án tuyển sinh, Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải dành 20-40% trong số 3.000 chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả hai kỳ thi riêng của Đại học Quốc gia Hà Nội và Trường Đại học Bách khoa. Trường không đưa ra mức điểm sàn xét tuyển, nhưng sẽ xét theo nguyên tắc lấy từ cao xuống thấp cho đến khi đủ chỉ tiêu.
Thêm cơ hội cho thí sinh
Tính đến nay, có khoảng 14 phương thức tuyển sinh đại học được sử dụng trong kỳ tuyển sinh đại học chính quy năm 2022. Các phương thức này khác nhau từ cách tổ hợp môn thi, hình thức xét tuyển, tiêu chí phụ… Tuy nhiên, theo các chuyên gia tuyển sinh thì thí sinh cần quan tâm đến các kỳ thi khác được tổ chức rộng rãi trong năm nay như kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy để có thêm cơ hội đăng ký xét tuyển vào các ngành/chương trình đào tạo có tính cạnh tranh cao.
Trước đó, trả lời báo chí, bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), việc này là phù hợp với quyền tự chủ trong công tác tuyển sinh của các cơ sở giáo dục đại học. Khi công bố phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2022 tháng 10/2021, Bộ GD&ĐT nhấn mạnh, những trường, ngành học có mức độ cạnh tranh cao, nên sử dụng điểm thi tốt nghiệp làm công cụ sàng lọc, sơ tuyển, sau đó cần có thêm các hình thức thi hoặc xét tuyển bổ sung nhằm chọn lọc thí sinh tốt hơn.
Bộ GD&ĐT cũng khuyến cáo các trường khi đưa ra những phương thức, chỉ tiêu tuyển sinh cần đảm bảo sự ổn định, tránh gây xáo trộn, biến động lớn, ảnh hưởng đến việc học tập và ôn luyện của thí sinh.