Tuy nhiên, khoảng 50% số học sinh và sinh viên trên thế giới bị ảnh hưởng bởi lệnh đóng cửa trường học lại thiếu máy tính để học tại nhà. Nội dung này được đề cập trong một tuyên bố của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) ngày 21/4.
Tuyên bố cho biết thêm 43% thanh thiếu niên không được tiếp cận Internet tại nhà. Điều này đồng nghĩa với việc khoảng 826 triệu học sinh, sinh viên không có máy tính tại nhà và khoảng 706 triệu người không được tiếp cận Internet vào thời điểm học trực tuyến là lựa chọn duy nhất hiện có khi nhiều trường học tại 191 quốc gia và lãnh thổ trên thế giới đóng cửa vì dịch COVID-19.
Tuyên bố của UNESCO nhấn mạnh “sự khác biệt đáng chú ý về công nghệ số hóa” giữa người giàu và người nghèo. Cơ quan này cho biết sự bất bình đẳng đặc biệt nghiêm trọng ở những nước có thu nhập thấp. Tại khu vực châu Phi phía Nam Sahara, 89% số học sinh, sinh viên thiếu máy tính tại nhà và 82% không được tiếp cận Internet. Khoảng 56 triệu học sinh, sinh viên – gần 50% trong đó tại khu vực châu Phi phía Nam Sahara sinh sống tại những nơi không có mạng di động để truy cập Internet trên điện thoại.
Tính trên toàn cầu, ít nhất 1,5 triệu học sinh, sinh viên và 63 triệu giáo viên tiểu học và trung học bị ảnh hưởng do lệnh đóng cửa trường học để đối phó với dịch COVID-19. Theo UNESCO, ngay cả đối với những giáo viên tại các nước có kết nối mạng gia đình và cơ sở hạ tầng thông tin và viễn thông (ICT) đáng tin cậy, việc chuyển sang học trực tuyến cũng đang là một thách thức. Với những giáo viên tại các vùng thiếu ICT và các phương pháp học từ xa khác, việc chuyển sang học trực tuyến lại càng khó khăn hơn hoặc không thể thực hiện. Số liệu công bố dựa trên dữ liệu của Viện thống kê và Liên minh viễn thông quốc tế đều thuộc UNESCO.
Trong tuyên bố, Tổng Giám đốc UNESCO, Audrey Azoulay cho rằng việc dạy và học không nên chỉ giới hạn ở công cụ trực tuyến mà nên ủng hộ những phương án khác, trong đó có phương tiện phát thanh và truyền hình, cũng như sự sáng tạo trong mọi phương thức học tập.