Quy chế thi THPT quốc gia đã được ban hành nhiều địa phương đã lên phương án chuẩn bị cho kỳ thi này. Nhưng cả học sinh và giáo viên cũng như lãnh đạo các Sở GD – ĐT đều trong tâm thế lo lắng về những vấn đề đặt ra của kỳ thi: Chuyện di chuyển của thí sinh, sự công bằng giữa các cụm thi, hướng dẫn ôn tập... Liệu có sự công bằng giữa các cụm thi, hay là nơi chặt, nơi lỏng? Đây là câu hỏi không chỉ của riêng một địa phương nào vào thời điểm này. Bởi theo lý giải của lãnh đạo của chính giáo viên, Sở GD – ĐT thì kỳ thi nhằm hai mục đích.
Sự công bằng giữa các cụm thi quyết định chuyện “đỗ” “trượt” của thí sinh. |
Nhưng việc xét tuyển ĐH là công việc của chính các trường từ nhiều năm nay, nay lại đặt vào tay chính các Sở, ĐH địa phương, liệu tính công bằng có đảm bảo?
Liệu có sự nương tay?Lãnh đạo một số tỉnh, thành phố lớn cho biết, về cơ bản thống nhất với những đổi mới trong quy chế thi THPT quốc gia. Tuy nhiên, đây là năm đầu tiên các tỉnh thực hiện kỳ thi này với hai mục đích: Xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH, CĐ. Với tính chất như vậy nên khâu tổ chức được đặt lên hàng đầu. Một trong những lo lắng lớn nhất hiện nay là làm sao để kỳ thi diễn ra an toàn, công bằng.
Ông Lê Trung Chinh, Giám đốc Sở GD – ĐT Đà Nẵng cho biết: “Dự kiến cụm thi liên tỉnh mà Đà Nẵng phụ trách bao gồm các thí sinh ở Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Trong 4 ngày diễn ra kỳ thi THPT quốc gia, với lượng học sinh có thể gấp 3 lần những năm trước đổ dồn về, khâu đảm bảo an toàn của kỳ thi được đặt lên hàng đầu.
Tháng 7 cũng là tháng cao điểm du lịch ở Đà Nẵng, vì vậy, ngay khi dự thảo quy chế kỳ thi, Sở đã cùng với tỉnh ủy đã có những phương án dự phòng để đảm bảo việc đi lại, ăn ở cho thí sinh.
“Thực tế thiếu nhà trọ là có, nhưng chúng tôi đang phối hợp với các Sở, ban ngành để huy động sự hỗ trợ nhà trọ miễn phí từ phía người dân, các đơn vị trực thuộc địa bàn. Với kinh nghiệm thi theo cụm từ nhiều năm qua, vấn đề này chúng tôi khắc phục được.
Điều lo lắng hơn cả là tính công bằng giữa các cụm thi. Kỳ thi ĐH trước đây chỉ là giảng viên ĐH coi thi, nay thêm cả giáo viên phổ thông. Việc tập huấn, đào tạo phải thực sự quy mô và quán triệt rất rõ ràng để không mắc lỗi. Năm nay Đà Nẵng không có cụm của địa phương, thí sinh đều đăng ký cụm liên tỉnh”, ông Lê Trung Chinh nhấn mạnh.
Cùng sự lo lắng này, bà Phạm Thị Hằng, giám đốc Sở GD – ĐT Thanh Hóa cho biết, dự kiến, cụm thi liên tỉnh sẽ đặt tại ĐH Hồng Đức, dành cho thí sinh hai tỉnh là Thanh Hóa và Ninh Bình. “Điều tôi lo lắng hơn cả là khâu coi thi, chấm thi, liệu có đảm bảo công bằng hay không?
Nếu làm không nghiêm túc, nơi chặt, nơi lỏng thì thiệt thòi thuộc về thí sinh. Trước đây, việc coi thi đại học là nhiệm vụ của chính các trường ĐH. Họ có trách nhiệm tuyển được thí sinh chất lượng cho trường mình. Đặc biệt những trường top đầu, top giữa. Nhưng nay, quyền hành này được phân bổ cho cả những giáo viên phổ thông. Không chỉ chính các trường ĐH nghi ngại, mà bản thân lãnh đạo ngành cũng không khỏi băn khoăn về thực tế này”.
Bà Phạm Thị Hằng lý giải: “Chỉ cần vênh nhau nửa điểm thôi, số phận của các em đã khác. Có thể ở cụm thi địa phương, các em đỗ rồi, nhưng khi trải qua kỳ thi sát hạch của trường lại trượt. Nếu trường ĐH phụ trách từ khâu coi thi, chấm thi cùng một mặt bằng là một chuyện khác. Nhưng ở đây, địa phương thực hiện, thì liệu có sự nương nhẹ cho thí sinh tỉnh nhà? Tôi thấy đây là điều lo nhất”.
Đây cũng là tâm tư của không ít lãnh đạo các trường ĐH khi quy chế thi THPT còn là dự thảo. Nhiều vấn đề đã đã được bàn thảo về cụm thi địa phương, liên tỉnh. Bà Lê Thị Thu Thủy, trưởng phòng đào tạo ĐH Ngoại Thương cho biết: “Với yêu cầu về điểm đầu vào cũng như chất lượng thí sinh, kết quả kỳ thi THPT quốc gia chỉ là một điều kiện để đỗ vào trường. Trường cũng có kỳ sơ tuyển riêng để lựa chọn được thí sinh”.
Ép thí sinh thi theo cụm địa phương Cô Nguyễn Thị Hương (giáo viên dạy tiếng Anh tại Lạng Sơn) chia sẻ: “Trước đây, có quy định với những thí sinh thi tại cụm địa phương để xét tốt nghiệp thì sẽ không được xét tuyển vào các trường ĐH. Nhưng đến nay, Bộ GD - ĐT lại thông tin những thí sinh thi theo cụm chỉ xét tốt nghiệp vẫn có cơ hội xét tuyển vào đại học do những trường có phương án tuyển sinh riêng vẫn chấp nhận kết quả này.
Hiện nay, đã có hơn 100 trường ĐH hoàn thiện đề án tuyển sinh riêng và chấp nhận phương án này. Như vậy, việc phân chia cụm địa phương chủ trì, cụm đại học chủ trì không còn nhiều ý nghĩa. Thực tế, nhiều giáo viên sẽ khuyên học sinh thi ở “sân nhà” (cụm địa phương do Sở GD chủ trì) vì cơ hội đỗ đại học cao hơn”.
Theo ghi nhận của PV báo Tin Tức, ở một số địa phương có hiện tượng giáo viên ép thí sinh đăng ký ở cụm địa phương, đặc biệt những học sinh có học lực trung bình, trung bình khá để dễ dàng đỗ đại học. Đây là thực tế phát sinh sau khi hàng trăm trường ĐH có phương án tuyển sinh riêng chấp nhận kết quả thi ở cụm địa phương.
Những vật dụng được mang vào phòng thi
Theo quy chế thi THPT quốc gia, khi vào phòng thi, thí sinh chỉ được mang bút viết, bút chì, compa, tẩy, thước kẻ, thước tính, máy tính bỏ túi không có chức năng soạn thảo văn bản và không có thẻ nhớ; Atlat địa lý Việt Nam đối với môn thi Địa lý (do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam ấn hành, không được đánh dấu hoặc viết thêm bất cứ nội dung gì); các loại máy ghi âm và ghi hình chỉ có chức năng ghi thông tin mà không truyền được thông tin, và không nhận được tín hiệu âm thanh, hình ảnh trực tiếp, nếu không có thiết bị hỗ trợ khác.
Thí sinh không được mang vào phòng thi vũ khí, chất gây nổ, gây cháy, đồ uống có cồn, giấy than, bút xóa, tài liệu, thiết bị truyền tin hoặc chứa thông tin có thể lợi dụng để gian lận trong quá trình làm bài thi và quá trình chấm thi.
Trong phòng thi, thí sinh phải ngồi đúng vị trí có ghi số báo danh của mình. Trước khi làm bài thi, phải ghi đầy đủ số báo danh (cả phần chữ và phần số) vào đề thi, giấy thi, Phiếu trả lời trắc nghiệm, giấy nháp.
Khi nhận đề thi, thí sinh phải kiểm tra kỹ số trang và chất lượng các trang in. Nếu phát hiện thấy đề thiếu trang hoặc rách, hỏng, nhòe, mờ phải báo cáo ngay với cán bộ coi thi trong phòng, chậm nhất 15 phút sau khi phát đề. |
Bài và ảnh: Lê Vân