Khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 4/6/2019 của Chính phủ về tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019 - 2025, ngành Giáo dục Việt Nam đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp và đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Việt Nam đã thiết lập được mạng lưới hơn 3.800 cơ sở giáo dục ngoài công lập phủ rộng khắp ở các địa phương trong cả nước. Chính sách hợp tác và đầu tư trong giáo dục của Việt Nam đã góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và cải thiện thứ hạng trên bản đồ giáo dục thế giới.
Để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, Chính phủ Việt Nam mong muốn thu hút, luôn khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư phát triển giáo dục - đào tạo ở tất cả các cấp học, các trình độ đào tạo.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho rằng, Việt Nam là quốc gia có dân số trẻ, có truyền thống hiếu học và sẵn sàng đầu tư chi phí để được học tập tại các cơ sở giáo dục có chất lượng cao. Bên cạnh đó, Việt Nam là một quốc gia có nền an ninh, chính trị ổn định và chính sách visa với các nước trong khu vực thông thoáng.
Vì vậy, đầu tư xây dựng các cơ sở giáo dục và thực hiện các chương trình giáo dục có chất lượng cao tại Việt Nam không chỉ thu hút học sinh, sinh viên Việt Nam mà còn có khả năng thu hút học sinh, sinh viên trong khu vực và quốc tế. Do đó, cơ hội, tiềm năng đầu tư vào giáo dục tại Việt Nam là rất lớn.
Báo cáo tổng quan về hợp tác đầu tư trong lĩnh vực giáo dục, ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết: Năm học 2020 - 2021, trong số hơn 3.800 cơ sở giáo dục ngoài công lập, số lượng cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 17%.
Tính đến 31/12/2021, Việt Nam có 605 dự án hợp tác đầu tư còn hiệu lực của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục với tổng số vốn đầu tư lên tới hơn 4,57 tỉ USD, tăng 321 dự án FDI so với 5 năm trước, số vốn đăng ký đầu tư tăng trên 3,5 tỉ USD. Các dự án chủ yếu tập trung vào hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, chiếm tới 91,23% tổng vốn đăng ký.
Ở bậc đại học, tính đến ngày 31/12/2021, cả nước có 408 chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài. Trong đó, 186 chương trình do các cơ sở giáo dục đại học tự chủ cấp phép và 222 chương trình do Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp phép thực hiện. Đứng đầu các quốc gia và vùng lãnh thổ có nhiều chương trình liên kết đào tạo với Việt Nam là Vương quốc Anh (101 chương trình), Hoa Kỳ (59 chương trình), Cộng hòa Pháp (53 chương trình), Australia (37 chương trình), Hàn Quốc (27 chương trình).
Tại hội nghị, các nhà quản lý, chuyên gia giáo dục trong nước, học giả có uy tín của một số cơ sở giáo dục nước ngoài đã trao đổi, thảo luận về các giải pháp đẩy mạnh thu hút hợp tác, đầu tư.
Theo đó, để thực hiện thành công hoạt động đầu tư vào giáo dục tại Việt Nam, các nhà đầu tư cần cập nhật thường xuyên quy định của pháp luật liên quan, tìm hiểu nhu cầu đầu tư của các địa phương, xây dựng và thực hiện các dự án thực sự chất lượng. Hiện nay, với hành lang pháp cơ bản đầy đủ và thuận lợi, cùng chính sách phát triển loại hình giáo dục ngoài công lập với mục tiêu số lượng cơ sở giáo dục ngoài công lập sẽ chiếm 16% tổng số cơ sở giáo dục tại Việt Nam vào năm 2025, việc đầu tư vào giáo dục của Việt Nam đang được coi là lĩnh vực đầu tư có hiệu quả.
Các địa phương cần tạo điều kiện thông thoáng, mở cửa, dành quỹ đất cho giáo dục nhằm thu hút đầu tư vào lĩnh vực giáo dục. Bên cạnh đó, các địa phương chủ động lên danh mục dự án đầu tư về giáo dục theo nhu cầu của từng địa phương; chủ động tổ chức hội nghị, diễn đàn xúc tiến, kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước; hỗ trợ tối đa hoạt động của cơ sở giáo dục ngoài công lập đang hoạt động tại địa phương nhằm tạo sức lan tỏa và sức hút đối với nhà đầu tư tiềm năng.