Vụ cô giáo im lặng không giảng bài: Cách xử lý của ngành Giáo dục quá chậm

Đó là ý kiến của bà Nguyễn Thị Thu, Phó chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh trong buổi làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố, Ban Giám hiệu trường Trung học phổ thông Long Thới (huyện Nhà Bè) để nghe báo cáo về sự việc giáo viên lên lớp im lặng suốt ba tháng qua vào sáng 6/4.

Đề cập đến phản ánh của học sinh Phạm Song Toàn, Trường Trung học phổ thông (THPT) Long Thới về việc giáo viên dạy môn Toán (cô Trần Thị Minh Châu) suốt 3 tháng lên lớp nhưng không giảng bài, không trò chuyện với học sinh, chỉ chép bài và giao bài tập cho học sinh làm, Phó Chủ tịch UBND Nguyễn Thị Thu cho rằng, sự việc xảy ra là nghiêm trọng vì các em đang bị bạo hành về mặt tinh thần. 


"Lẽ ra khi được em Phạm Song Toàn phản ánh và đã xác minh đúng sự thật, nhà trường phải đình chỉ ngay việc lên lớp của cô Trần Thị Minh Châu, thế nhưng vẫn để cô đứng lớp. Cách xử lý của Sở Giáo dục và Ban Giám hiệu nhà trường là quá chậm", Phó Chủ tịch UBND Nguyễn Thị Thu nhấn mạnh.

Bà Nguyễn Thị Thu yêu cầu Sở giáo dục và đào tạo TP Hồ Chí Minh cần phải xử lý kiên quyết vụ việc giáo viên lên lớp không giảng bài nhiều tháng liền.

"Việc để giáo viên học sinh gặp gỡ hòa giải, cô vẫn lên lớp có thể gây hiểu nhầm cho dư luận là giáo viên sai phạm nghiêm trọng nhưng ngành giáo dục không xử lý nghiêm", bà Thu cho biết thêm.


Trước các ý kiến về việc nhà trường giải quyết xử lý kỷ luật chậm trễ, ông Bùi Bình Minh, Hiệu trưởng Trường THPT Long Thới cho biết, thực tế phải nghiên cứu thật kỹ và đây cũng là thời điểm ôn thi cho học sinh nên phải lấy ngày thứ 7, chủ nhật hoặc sau giờ học để làm việc này. Nhà trường cố gắng cuối tuần, sau họp Hội đồng kỷ luật và thông báo kết quả kỷ luật báo cáo để Sở Giáo dục - Đào tạo nắm tình hình.


Bên cạnh đó, ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh cho biết thêm, việc làm của cô Châu là sai phạm theo Luật viên chức. Luật có quy định phải tuân thủ các quy trình, quy định về chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp, quy tắc ứng xử. Cô Châu đã vi phạm điều này và Sở sẽ tiến hành kỷ luật theo Nghị định 27 về xử lý viên chức. Sau khi xử lý cô Châu, Sở giáo dục sẽ xử lý trách nhiệm của Hiệu trưởng nhà trường và trách nhiệm giáo viên liên quan. Ngoài ra, ông Lê Hoài Nam cho hay em Song Toàn sẽ được chuyển trường ngay tuần tới. 


Trước những vấn đề nghiêm trọng trên, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Thu yêu cầu xử lý sai phạm liên quan đến vụ việc này phải kiên quyết. Trong quá trình xử lý, phải căn cứ vào các Luật định và các văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã được ban hành, liên quan đến đạo đức, trách nhiệm của giáo viên; đảm bảo đúng quy trình xử lý viên chức; tạo sự đồng thuận của dư luận.


Bên cạnh đó, Sở Giáo dục và Đào tạo theo dõi quá trình xử lý vụ việc, không để phát sinh thêm sai phạm mới. Cùng với đó, tập trung chấn chỉnh các tồn tại liên quan đến ngành giáo dục, kể cả các cơ sở công lập và ngoài công lập để có được giáo viên tốt, giáo án hay, phương pháp giảng bài khoa học, từ đó giúp học sinh tiếp thu được kiến thức, hăng say học tập.


Đan Phương/Báo Tin tức
Dự thảo các tiêu chuẩn mới của Hiệu trưởng trường mầm non
Dự thảo các tiêu chuẩn mới của Hiệu trưởng trường mầm non

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố dự thảo Thông tư quy định chuẩn Hiệu trưởng trường mầm non.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN