Vượt qua nỗi đau mất bố, trở thành thủ khoa đại học

Là thí sinh thứ 2 của trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) đỗ thủ khoa Đại học Ngoại thương với số điểm 27,5 (Văn 8,5; Toán 9; tiếng Nga 9,75), Bùi Thị Thảo Hương rất xúc động vì đây sẽ là món quá ý nghĩa nhất mà em muốn dành tặng người bố đáng kính trong ngày giỗ đầu tiên sắp tới.


Vượt qua nỗi đau


Sau kì thi tốt nghiệp lớp 9, Hương quyết định thi vào lớp chuyên Hóa của trường THPT chuyên Phan Bội Châu. Tuy nhiên, do không đủ điểm nên em chuyển sang học lớp chuyên Nga mặc dù không hề biết tiếng Nga.


 

Hương (ngoài cùng bên trái) cùng cô giáo chủ nhiệm và các bạn trong đội tuyển Nghệ An tham dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn tiếng Nga.

 

Hương thú thực, ban đầu em cảm thấy rất mơ hồ và không có định hướng nào cho mình khi tiếp cận với môn chuyên này. Vì thế, em vẫn tự mình học song song hai khối thi là A và D2. Chưa biết tiếng Nga, Hương cố gắng học từng chữ một. Dần dần, tiếng Nga trở thành một niềm yêu thích của Hương. Đến năm lớp 11, em đã xuất sắc vượt qua kì tuyển chọn của tỉnh Nghệ An để dự thi học sinh giỏi quốc gia môn tiếng Nga. Hương tâm sự, khó khăn nhất đối với em là kĩ năng nói, vì ngữ điệu và trọng âm của tiếng Nga hoàn toàn không thống nhất theo một quy luật nào cả. Mà kì thi học sinh giỏi quốc gia bao gồm phần thi nói độc thoại trong 5 phút nên Hương đã phải tập nói rất nhiều. Theo sự hướng dẫn của cô giáo, Hương soạn nháp những chủ đề mà cô đã giao, tự đứng trước gương rồi tập nói như một diễn viên kịch và thu âm lại để tự học.


Đang trong quá trình gấp rút để chuẩn bị cho kì thi chông gai phía trước, thì tin dữ ập đến với gia đình em. Tai nạn lao động đã cướp đi người bố thân yêu của Hương. Sự ra đi của bố là nỗi đau lớn nhất đối với Hương nhưng nỗi đau đó cũng khiến em trầm tĩnh, bản lĩnh và nghị lực hơn.


Gánh nặng chăm lo cho Hương và em trai học sau em hai khóa giờ dồn lên đôi vai tảo tần của mẹ. Trước khi bố mất, mẹ Hương làm nghề may thuê nhưng vì sức khỏe yếu dần nên xin nghỉ, về nhà cùng cậu em thuê kiốt mở tiệm photocopy kiếm sống. Thương mẹ, lo cho thu nhập ít ỏi của gia đình, Hương chỉ biết cố gắng học sao thật giỏi để sau này có được một công việc tốt.


Đối với Hương, bố luôn là tấm gương về sự tự lập và kỉ luật để em noi theo. Hương nghẹn ngào nhớ lại kỉ niệm về bố: “Lúc tách phong lan, bố em nói cây mà chăm sóc quá thì khi gặp biến cố sẽ rất nhanh chết, phải để nó tự đâm rễ sâu mới sống sót được. Phong lan tuy sống nhờ, nhưng phải vươn rễ thật chắc chắn thì mới sống nhờ được, đó cũng là một loại bản lĩnh, mà bản lĩnh đó phải tự ngộ ra.


Thành công mỉm cười


Lấy lại cân bằng sau khi bố qua đời, Hương tiếp tục bước vào những kì thi của năm cuối cấp. Xuất sắc giành giải nhất học sinh giỏi tỉnh môn tiếng Nga, Hương có tên trong danh sách đội tuyển dự thi học sinh giỏi tỉnh quốc gia của tỉnh Nghệ An và đạt giải khuyến khích học sinh giỏi quốc gia môn tiếng Nga.


Không giống như các bạn khác, dồn hết thời gian cho môn chuyên, Hương vẫn song hành việc ôn thi đại học cả hai khối. Mỗi ngày, Hương dành cho tiếng Nga một giờ đồng hồ, thời gian còn lại em luyện giải các đề thi thử các môn tự nhiên khác. Đối với môn Văn, Hương không gặp nhiều khó khăn trong quá trình cảm thụ tác phẩm vì trong con người Hương đã có chất “suy tư” và chín chắn của một người lớn. Như các bạn hay đùa và gọi cô bé là “bà cụ non”. Hương rất thích câu nghị luận xã hội của đề văn khối D năm nay, em nói: “Đề không chỉ yêu cầu cao về tư duy lập luận của học sinh mà còn cho học sinh cơ hội nói rõ suy nghĩ của mình về con đường tương lai. Lấy ý kiến của một Việt kiều từng sống nhiều năm ở Mĩ nhưng lại có chuyến hành trình xuyên Việt làm cho ý kiến trở nên khách quan hơn, giống như là người Việt đứng ở điểm nhìn thế giới để nói về người Việt”.


Hương mạnh dạn chia sẻ ý kiến của mình: “Đi theo con đường có sẵn cũng có cái lợi, đó là đã có người đi trước nên sẽ an toàn hơn, ít rủi ro. Nhưng như thế thì khó mà phát triển được. Con đường mới chưa ai đi tuy rủi ro nhưng nếu thành công thì sẽ đem lại cả một bước tiến dài, nếu không thì sẽ rút được kinh nghiệm cho bản thân và cả những người đi sau. Nhưng con đường tốt nhất chính là tìm ra con đường của riêng mình dựa trên kinh nghiệm của những người đi trước, vì mỗi người đều có tính cách, hoàn cảnh riêng, không ai giống ai, nên tự mình tìm ra và hoàn thành con đường của riêng mình là tốt nhất”.


Sau bao nỗ lực và quyết tâm khẳng định mình, Hương đã có được món quà ý nghĩa nhất mà em muốn dành tặng cho bố trong ngày giỗ đầu tiên của ông vào tháng 11 tới, đó là ngôi vị thủ khoa khối D2 của trường Đại học Ngoại thương Hà Nội. Hương đã có thể khiến bố tự hào về mình và đây cũng là lúc cô nữ sinh biết được hạnh phúc sẽ nở hoa trong nước mắt.


Trung Dũng

Thủ khoa khối A đạt điểm tuyệt đối
Thủ khoa khối A đạt điểm tuyệt đối

Theo thông báo từ trường Đại học Bách khoa Hà Nội, thủ khoa khối A của trường là em Nguyễn Thành Trung, học sinh trường chuyên Phan Bội Châu tỉnh Nghệ An với 29,75 điểm (làm tròn thành 30 điểm), trong đó hai môn Toán và Hóa đạt điểm tuyệt đối, điểm môn Lý là 9,75.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN