Tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa ghi nhận và đánh giá cao những thành quả Đại học Huế đạt được trong thời gian qua, đặc biệt là trong công tác đào tạo nguồn nhân lực báo chí và truyền thông.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị, Đại học Huế cần chú trọng đổi mới nội dung chương trình đào tạo bám sát nhu cầu của thực tiễn và công tác cán bộ của Đảng và Nhà nước; tiếp tục phát huy truyền thống, nhất là ý thức, nhận thức sâu sắc hơn nữa vai trò, sứ mệnh của đào tạo khoa học, xã hội nhân văn nói chung và đào tạo đội ngũ cán bộ báo chí truyền thông nói riêng; trong đó, hướng đến xây dựng Đại học Huế trở thành cơ sở trọng yếu trong đào tạo nguồn nhân lực báo chí và truyền thông chất lượng, với tinh thần "tâm sáng, lòng son, bút sắc".
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa yêu cầu, Đại học Huế tiếp tục đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng vừa đáp ứng yêu cầu, mục tiêu xây dựng nền báo chí cách mạng, chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; vừa đáp ứng yêu cầu thực tiễn của truyền thông quốc tế trong giai đoạn hiện nay; đào tạo báo chí theo khung chương trình chung nhưng cần có nét đặc sắc, bản sắc riêng của văn hóa và con người Huế. Đại học Huế chú trọng nghiên cứu khoa học phục vụ công tác giáo dục đào tạo báo chí và truyền thông; tăng cường quản lý đào tạo và bồi dưỡng gắn với nhu cầu xã hội để đảm bảo sinh viên ra trường có việc làm và phù hợp chuyên môn đào tạo; tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo.
Bên cạnh đó, Đại học Huế cần tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức và hoạt động theo hướng tự chủ, hiện đại, định hướng chuẩn mực quốc tế và đổi mới cơ chế từ quản lý sang quản trị; đổi mới sáng tạo, xây dựng mô hình đại học thông minh để thích ứng với bối cảnh cuộc sống số, xã hội số và thời đại số. Đặc biệt, Đại học Huế quan tâm bồi dưỡng và phát triển đội ngũ giảng viên, chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành; đầu tư phát triển hạ tầng cơ sở và chất lượng giáo dục, cũng như môi trường thuận lợi để nâng cao chất lượng giáo dục và nghiên cứu khoa học, hướng đến thực hiện thắng lợi mục tiêu đưa Đại học Huế trở thành Đại học quốc gia.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Phương, Giám đốc Đại học Huế cho biết, đơn vị có 2 đơn vị đào tạo báo chí và truyền thông, gồm Khoa Báo chí và Truyền thông (thuộc Trường Đại học Khoa học) và Khoa Quốc tế. Trong đó, Khoa Báo chí và Truyền thông đã xây dựng được thương hiệu đào tạo báo chí tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Từ năm 2010 đến nay, khoa đã đào tạo hơn 1.500 cử nhân hệ chính quy và phi chính quy, hơn 700 học viên các lớp ngắn hạn, phục vụ hiệu quả nhu cầu của các cơ quan báo chí khu vực miền Trung và cả nước. Số lượng sinh viên của Khoa có việc làm sau khi tốt nghiệp một năm luôn đạt hơn 90%. Nhiều sinh viên của khoa ra trường hoạt động trong các cơ quan báo, đài được đánh giá rất cao và đạt nhiều giải báo chí quốc gia và giải báo chí của các ngành, cấp. Nhiều cựu sinh viên của khoa đang giữ những vị trí quan trọng trong các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương.