Tại Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Văn Trào, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nêu: Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đã đề ra nhiệm vụ “Xây dựng mỗi trườnghọc phải thực sự là một trung tâm văn hóa giáo dục, rèn luyện con người về lý tưởng, phẩm chất, nhân cách, lối sống; giáo dục truyền thống văn hóa cho thế hệ trẻ”. Để thực hiện được các mục tiêu và nhiệm vụ trên, đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong các nhà trường không chỉ là những người truyền thụ tri thức mà còn là những nhà giáo dục, nhà khoa học, nhà văn hoá…. đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng văn hoá nhà trường.
Tham luận tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Đức Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng việc xây dựng quy tắc ứng xử nên được xây dựng “từ dưới lên”, nghĩa là từ việc thảo luận, đồng thuận của các cán bộ giảng viên về các yêu cầu và “hành vi nên làm, không nên làm” trong nhà trường. Quy tắc ứng xử cần được xây dựng theo hướng cụ thể hoá các giá trị cốt lõi và triết lí giáo dục của nhà trường. Do vậy, thực hiện các quy tắc ứng xử cũng chính là thực hiện các giá trị văn hoá của nhà trường.
PGS.TS Nguyễn Đức Sơn cho rằng, trong nhà trường sư phạm, các quy tắc ứng xử gắn bó chặt chẽ với các quy tắc đạo đức nghề dạy học, cụ thể và gần với các tình huống sư phạm. Cũng có thể coi việc thực hiện quy tắc ứng xử như là một trong các tiêu chí đánh giá cán bộ, giảng viên.
TS. Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Khoa Quản lý giáo dục, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội dẫn chứng về một số nghiên cứu và nêu 6 trị cốt lõi trong môi trường sư phạm, trong đó có 3 giá trị dành cho cán bộ quản lý là chí công, gương mẫu, sáng suốt; với nhân viên là tôn trọng, đổi mới, sáng tạo.
PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, các trường nên căn cứ vào mục tiêu, nhiệm vụ, đặc điểm của trường, xây dựng quy chế văn hoá dưới tiêu đề coi như tầm nhìn của trường để định hướng cho cách ứng xử của giảng viên, cán bộ, sinh viên thật văn minh, lịch sự.