Cô Hoàng Hồng Hà (giáo viên tiểu học quận Cầu Giấy, Hà Nội): Chủ trương mà Bộ Giáo dục - Đào tạo đưa ra về việc bỏ chấm điểm đối với học sinh tiểu học là rất đúng đắn. Các em học sinh không còn so đo hơn thiệt về điểm như trước kia nữa. Tuy nhiên, gánh nặng đang ở trên vai mỗi giáo viên.
Điều kiện để thực hiện Thông tư 30 về bỏ chấm điểm đối với học sinh tiểu học thay bằng nhận xét là rất khó khăn, sĩ số lớp học hiện nay quá đông để thực hiện được việc này. Trường tôi dạy là trường công lập trên địa bàn quận Cầu Giấy, tính sơ sơ mỗi lớp có từ 50 - 55 học sinh. Bên cạnh công việc chuyên môn, tôi còn có vai trò là giáo viên chủ nhiệm. Mỗi ngày, tôi nhận xét hàng trăm cuốn vở.
Để nhận xét tỉ mỉ từng bài làm một là điều không thể. Nhiều hôm ở lại buổi trưa để làm nhưng vẫn chưa xong. Tối về thì soạn giáo án, chuẩn bị bài giảng và nhiều việc liên quan đến hoạt động của lớp nữa. Bên cạnh đó, giáo viên chủ nhiệm hoàn thiện sổ liên lạc, sổ ứng dụng công nghệ thông tin... tất cả đều viết bằng tay. Thực sự tôi thấy quá tải. Như ở trường tôi đã đưa ra hình thức mặt cười, mặt buồn để ám chỉ những bài làm tốt, chưa tốt của học sinh. Tuy nhiên, loay hoay với việc chuẩn bị này cũng khá rườm rà. Vì vậy, có những lúc làm là hình thức, là chiếu lệ. Ngành giáo dục cần phải có giải pháp phù hợp để giáo viên tiếp cận quy định bỏ chấm điểm đối với học sinh tiểu học với tinh thần tốt hơn.
Trong hai năm trở lại đây, phương pháp này đã được triển khai thí điểm học sinh lớp 1 nhưng những trường, lớp thí điểm mô hình này đều có sĩ số lớp học khá ưu việt: 35 - 40 học sinh. Vì vậy, giáo viên rất thuận tiện cho việc đánh giá năng lực của học sinh. Trong khi với sĩ số thực tế như các trường công lập hiện nay, dù giáo viên có kỹ năng sư phạm tốt, giỏi chuyên môn thì cũng khó hoàn thành mục tiêu cuối cùng là dạy tốt cho học sinh được.
LV (ghi)