Y tế học đường thiếu thốn trăm bề

Đến năm học 2011- 2012, mạng lưới y tế học đường trên địa bàn Hà Nội đã được phủ rộng khắp, toàn thành phố đã có 2.498 trường học có cán bộ y tế, đạt tỷ lệ 98%. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn 51 trường chưa có cán bộ y tế và số trường có phòng y tế theo quy định rộng trên 12 m2 mới đạt 63%. Nhiều nơi có phòng y tế nhưng để triển khai các chương trình y tế học đường vẫn còn gặp nhiều khó khăn, bất cập, chưa phát huy được hiệu quả.


Thiếu cơ chế thu hút nhân lực


Theo quy định, mỗi trường đều có một biên chế cho y tế trường học nhưng cho đến năm học này, tại Hà Nội vẫn còn 51 trường chưa có cán bộ y tế. Mặt khác, trình độ cán bộ làm công tác y tế trường học cũng còn bất cập, phần lớn là điều dưỡng, y sỹ, chứ không có bác sỹ. Do đó, việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh cũng còn nhiều hạn chế. Hơn nữa, nhiều nhân viên y tế học đường còn lúng túng trong việc tham mưu cho lãnh đạo nhà trường trong công tác này.


Hội thi tìm hiểu kiến thức y tế học đường do Sở Y tế phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức trong khuôn khổ một dự án y tế học đường. Ảnh: Dương Ngọc – TTXVN


Tìm hiểu thực tế tại một số trường phổ thông của huyện Phúc Thọ (Hà Nội) cho thấy, theo quy định mỗi trường có một biên chế cho y tế trường học là quá ít. Việc tuyển dụng y sỹ, bác sỹ vào làm việc tại các phòng y tế nhà trường cũng không phải là điều đơn giản. Do thu nhập thấp, chủ yếu trông vào đồng lương và 20% phụ cấp ít ỏi, nhiều người xin vào phòng y tế trường học chỉ vì lý do gần nhà hay để vào được vào biên chế Nhà nước.


Với số lượng mỗi trường 500- 600 học sinh/1 nhân viên y tế, lãnh đạo các trường đều cho rằng cần phải tăng thêm ít nhất một biên chế cho phòng y tế mới có thể đảm đương tốt công việc y tế học đường. Hiện nay, do mỗi phòng y tế chỉ có một người nên khi nhân viên này nghỉ chế độ, "bí" quá, nhà trường lại phải lấy nhân viên văn thư, thư viện... kiêm nhiệm thêm công việc y tế, nên công tác y tế học đường gần như bỏ ngỏ. Ở một số trường như trường mầm non công lập, trường tiểu học, nhân viên y tế học đường còn phải kiêm nhiệm thêm công việc khác do hiệu trưởng nhà trường phân công.


Mặc dù chất lượng khám sức khỏe định kỳ cho học sinh đã được nâng cao nhưng một số nơi do trình độ chuyên môn của cán bộ y tế còn hạn chế (thiếu các bác sỹ chuyên khoa mắt, răng hàm mặt, tai mũi họng...), thậm chí có nơi giao việc khám sức khỏe cho trạm y tế địa phương nên chất lượng chưa đảm bảo, dẫn đến có tình trạng học sinh chưa được điều trị đúng bệnh, số liệu phản ánh về tình hình sức khỏe học sinh cũng không đúng thực tế.


Cũng như nhiều địa phương khác, việc tuyển cán bộ y tế trường học hiện nay ở Hà Nội khá khó khăn do tâm lý sinh viên tốt nghiệp trường y không muốn về các trường công tác; cán bộ làm y tế trường học cũng không muốn gắn bó lâu dài tại trường. Nguyên nhân được cho rằng chế độ ưu đãi đối với cán bộ y tế trường học hiện nay quá thấp.


Ngoài lương họ chỉ được hưởng thêm 20% phụ cấp, bằng một nửa của nhân viên trạm y tế, trong khi nhiều cán bộ y tế trường học còn phải kiêm nhiệm một số hoạt động khác của trường. Hơn nữa, nhân viên y tế học đường cũng khó có cơ hội để học tập nâng cao trình độ hoặc có cơ hội thăng tiến nên dù đang công tác tại trường học, họ vẫn tìm việc ở các đơn vị khác.


Để khắc phục cái khó này, trước tiên, thành phố cần phải có cơ chế, chính sách để thu hút bác sỹ làm công tác y tế học đường, đồng thời nghiên cứu có chế độ phụ cấp ưu đãi nghề cho cán bộ y tế học đường như các cán bộ y tế đang làm việc trong hệ thống y tế Nhà nước. Các quận, huyện, thị xã rà soát lại số trường còn thiếu cán bộ y tế để có kế hoạch tuyển dụng đảm bảo ít nhất mỗi trường có một cán bộ y tế và tăng thêm biên chế cán bộ y tế cho các trường có nhiều học sinh hoặc nhiều cấp học.


"Bí" vì thiếu kinh phí


Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội về công tác Y tế học đường năm học 2011 - 2012 cho thấy, nguồn kinh phí dành cho công tác này còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu.


Ông Nguyễn Hòa Bình, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội cho biết, năm học 2011 - 2012, công tác y tế học đường trên địa bàn Hà Nội được triển khai dựa trên sự hỗ trợ kinh phí từ chương trình mục tiêu TW, nguồn của thành phố, kinh phí từ nguồn bảo hiểm y tế trích lại và nguồn của quận, huyện, thị xã và các xã, phường, thị trấn với tổng kinh phí trên 19,7 tỷ đồng. Nguồn kinh phí này hiện nay chỉ đáp ứng được một phần hoạt động triển khai các chương trình y tế học đường.


Và mỗi hoạt động cũng chỉ triển khai được trong một số ít các trường học trên địa bàn, chứ không triển khai đại trà hoặc trên diện rộng. Hoạt động y tế học đường chủ yếu chỉ trông vào nguồn kinh phí được để lại từ quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tự nguyện của học sinh, sinh viên theo quy định hiện hành nên rất khó khăn. Trong khi đó, nhiều trường tỷ lệ học sinh tham gia bảo hiểm y tế chỉ đạt vài chục phần trăm như trường Tiểu học Ngọc Tảo là 24 - 26%, trường Trung học cơ sở Ngọc Tảo 40%.


Năm học 2011 - 2012, cơ sở vật chất cho công tác y tế học đường trên địa bàn cũng đã cơ bản đảm bảo theo quy định. Tuy nhiên, cần tiếp tục củng cố cơ sở vật chất cho khối mầm non, nhất là khối trường ngoài công lập và các trường ngoại thành.


Khó khăn nhất hiện nay của nhiều trường khu vực ngoại thành là hệ thống nước rửa tay không được đầu tư hoặc được đầu tư nhưng không đúng theo quy chuẩn. Như trường Trung học cơ sở Ngọc Tảo, học sinh cả trường phải dùng chung một chậu rửa ở khu vệ sinh. Còn trường Tiểu học Ngọc Tảo thì hệ thống vòi rửa tay cho học sinh mới đưa vào sử dụng đã hỏng hóc, nước sạch cũng thiếu phải bơm nước giếng khoan cho các em sử dụng. Lý giải tình trạng trên, anh Nguyễn Minh Hải, chuyên viên Phòng Nghiệp vụ y, Sở Y tế Hà Nội, Thư ký Chương trình Y tế học đường cho biết: Đối với công trình vệ sinh trong trường học hiện nay, khu vực các trường ngoại thành còn thiếu nhiều hệ thống vòi rửa tay. Một số nơi có công trình vệ sinh nhưng sử dụng không hiệu quả. Nguồn nước phục vụ cho công trình vệ sinh nhiều nơi cũng không đủ, phải dùng nước giếng khoan, không đảm bảo vệ sinh.


Ngoài ra, do thiếu kinh phí, việc duy trì tủ thuốc thiết yếu ở các trường cũng gặp khó khăn, không đủ chủng loại thuốc, thuốc quá đát cũng không có kinh phí để mua thay thế, thiếu tài liệu tuyên truyền phòng chống bệnh... Bên cạnh đó, danh mục trang thiết bị, thuốc thiết yếu hiện nay cũng không còn phù hợp, Bộ Y tế cần nghiên cứu để sớm ban hành danh mục trang thiết bị, thuốc thiết yếu cho Phòng Y tế thay thế cho Quyết định số 1221/QĐ-BYT ngày 7/4/2008.



Tuyết Mai

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN