Bản ‘tối hậu thư’ 12 năm

“Chỉ cần con người tuyệt chủng thì Trái đất sẽ phục hồi!”. Tôi đã bật cười khi đọc bình luận của một bạn đọc dưới bài viết về biến đổi khí hậu trên một tờ báo mạng. Bình luận hài hước đó đã chỉ thẳng mặt đối tượng gây ra tình trạng biến đổi khí hậu, khiến “sức khỏe” Trái đất của chúng ta ngày càng suy kiệt. Đối tượng đó chính là con người, chính là chúng ta.

Báo cáo của Ủy ban liên Chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) Liên hợp quốc công bố ngày 8/10 vừa qua đã đưa ra những kết luận, dự báo mang tính cảnh tỉnh cho toàn nhân loại. IPCC cho rằng vào năm 2030, tức 12 năm nữa từ bây giờ, chúng ta sẽ không còn cơ hội để giữ cho nhiệt độ của Trái đất tăng dưới mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, tức là những năm 1850.

Trái đất sẽ ra sao nếu tăng 1,5 độ C? Khi đó, nguy cơ xảy ra hạn hán, cháy rừng, lũ lụt sẽ luôn thường trực. Nông nghiệp sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, khiến hàng trăm triệu người thiếu lương thực. Trong thực tế, những hiện tượng đó không còn là nguy cơ nữa khi mà mùa hè vừa rồi châu Âu nóng bất thường, khi mà thành phố Cape Town ở Nam Phi cạn kiệt nước ngọt, khi mà bão Harvey hay Florence khiến nhiều nơi nước Mỹ chìm trong biển nước.

Cái ngưỡng 1,5 độ C được đề cập tới trong thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu cách đây 3 năm, trong đó các quốc gia cam kết giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính để thực hiện mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ của Trái đất dưới 1,5 độ C. Tuy nhiên, các nhà khoa học và nhà nghiên cứu khí hậu cảm thấy con số này dường như bất khả thi, đến mức đã đề xuất mức thứ hai là 2 độ C. 

1,5 hay 2 độ C, chênh nhau chỉ 0,5 độ nhưng hậu quả của biến đổi khí hậu sẽ là gấp đôi. Để đạt mục tiêu 1,5 độ C nói trên, thế giới chỉ có 12 năm để cắt giảm một nửa lượng khí thải và tới năm 2050, lượng khí thải phải là 0. 

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã gọi báo cáo của IPCC là “lời kêu gọi thức tỉnh xé tai” mà thế giới phải nghe và chú ý, rằng chúng ta đã dần cạn thời gian để cứu hành tinh.

Thế nhưng, phần lớn thế giới dường như bỏ ngoài tai lời kêu gọi khẩn cấp hành động của những nhà khoa học tài giỏi nhất thế giới. 

Từng gọi biến đổi khí hậu là một “trò đánh lừa”, từng rút Mỹ khỏi thỏa thuận Paris, khiến nỗ lực chung của toàn thế giới trong chống biến đổi khí hậu bị thụt lùi, Tổng thống Mỹ Donald Trump đến nay vẫn im lặng, chưa bình luận gì về báo cáo.

Dưới sức ép chính trị, tân Thủ tướng Australia Scott Morrison đã từ bỏ chính sách cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, đồng nghĩa với việc Australia từ bỏ cam kết trong thỏa thuận Paris, từ bỏ một cách âm thầm với hi vọng không ai chú ý.

Tại Canada, cuộc tranh luận về biến đổi khí hậu đơn thuần chỉ xoay quanh đóng thuế carbon hay không. Không ai nghĩ tới việc thế hệ con cháu họ trong 12 năm nữa sẽ phải sống trong một môi trường bị hủy hoại ra sao.

Trong khi nhiều nước giàu có thờ ơ hành động chống biến đổi khí hậu vì lợi ích chính trị, lợi ích kinh tế, thì các quốc gia nhỏ và nghèo hơn, đã, đang và sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, mà Việt Nam là một trong số đó, lại không có nhiều nguồn lực để quyết định số phận của mình.

Thời gian gần đây, cụm từ biến đổi khí hậu thường xuyên được nhắc tới ở Việt Nam – một trong 10 nước bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi mực nước biển dâng do biến đổi khí hậu. 

Ngay trong những ngày này, người dân TP Hồ Chí Minh, Vĩnh Long, Cần Thơ, Đồng Tháp… đang quay quắt, vật vã đối phó với triều cường, cuộc sống đảo lộn. Do biến đổi khí hậu, triều cường mỗi năm một phức tạp hơn, kéo dài hơn. Khu vực này, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh còn đang trải qua đợt dịch chồng dịch phức tạp với bệnh sốt xuất huyết, tiêu chảy, tay chân miệng – những bệnh mà theo các chuyên gia sẽ xảy ra nhiều hơn, nguy hiểm hơn do biến đổi khí hậu.

Mỗi năm, khoảng 300ha đất ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long bị mất đi do sạt lở, nước biển dâng. Dự báo hơn 12% bờ biển Việt Nam sẽ bị nhấn chìm do nước biển dâng. Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, hai trung tâm kinh tế lớn, được nhận định là chịu nhiều tổn thương do biến đổi khí hậu. 

Biến đổi khí hậu không phải là điều gì xa xôi mà đang xảy ra ngay trước mắt chúng ta, tác động trực tiếp tới chúng ta. Mùa hè đang nắng nóng hơn, mùa đông có nhiều đợt rét khắc nghiệt hơn, hạn hán và mưa lũ ngày càng cực đoan, số lượng cơn bão ngày càng nhiều.

Ngay sau khi bản “tối hậu thư” được công bố, ngày 10/10, Hội nghị đối thoại cấp cao về biến đổi khí hậu đã diễn ra tại Hà Nội. Giới chức Việt Nam khẳng định Việt Nam luôn chủ động, tích cực trong thực hiện cam kết quốc tế và chống biến đổi khí hậu. Dù còn khó khăn về công nghệ, tài chính nhưng Việt Nam lại thuận lợi về ý chí khi mà lãnh đạo các cấp đều đồng lòng trong chống biến đổi khí hậu. Việt Nam đã tham gia thỏa thuận Paris, có kế hoạch hành động để thực hiện thỏa thuận, đặt mục tiêu cắt giảm tổng lượng phát thải 8% vào năm 2030.

Tuy nhiên, nếu chỉ có nỗ lực của Việt Nam và các nước có hoàn cảnh tương tự là chưa đủ. Trái đất không của riêng ai. Hợp tác quốc tế là điều bắt buộc nếu muốn hạn chế khí thải để làm giảm tình trạng ấm lên toàn cầu và tác động với Trái đất. Điều này cần ý chí chính trị mạnh mẽ của lãnh đạo toàn thế giới, sẵn sàng hi sinh một phần lợi ích kinh tế. Một khi đồng thuận về ý chí, lúc đó chúng ta mới có thể tính tới chuyện “thực hiện những thay đổi nhanh chóng, sâu rộng, chưa từng có tiền lệ trong mọi khía cạnh xã hội” để chống biến đổi khí hậu như “lời kêu gọi thức tỉnh xé tai” được đưa ra trong “tối hậu thư” 12 năm của IPCC. 

Thế giới có một nhiệm vụ khổng lồ trước mắt. Nhưng không có gì là không thể một khi đồng thuận về ý chí.

Thùy Dương
Giới khoa học kêu gọi giảm ăn thịt để tránh gây biến đổi khí hậu nghiêm trọng
Giới khoa học kêu gọi giảm ăn thịt để tránh gây biến đổi khí hậu nghiêm trọng

Thế giới cần giảm mạnh lượng tiêu thụ thịt nhằm tránh gây biến đổi khí hậu một cách nghiêm trọng - đó là kết quả đúc rút từ một nghiên cứu đã được các nhà khoa học tiến hành trong một thời gian dài.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN