“Tối hậu thư” 12 năm
Theo báo cáo công bố ngày 8/10 của Ủy ban liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC), hành tinh của chúng ta sẽ đạt ngưỡng quan trọng vào năm 2030: tăng 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Điều đó sẽ đẩy nhanh nguy cơ xảy ra hạn hán, cháy rừng, lũ lụt, thiếu lương thực trầm trọng cho hàng trăm triệu người.
Báo cáo nhấn mạnh biến đổi khí hậu là mối đe dọa không thể đảo ngược với loài người và hành tinh, đồng thời cảnh báo trì hoãn hành động sẽ khiến thế giới không thể nào hạn chế mức nhiệt độ tăng dưới 1,5 độ C.
Mốc thời gian năm 2030 được đưa ra dựa trên mức độ hiện tại của khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Năm 2030 là một cái mốc rất gần, tức chỉ 12 năm nữa kể từ bây giờ.
Theo báo cáo, Trái đất đã trải qua 2/3 chặng đường tiến tới con số 1,5 độ C khi mà nhiệt độ toàn cầu hiện nay đã ấm hơn 1 độ C. Để tránh con số 1,5 độ C, IPCC cho rằng cần phải có hành động quyết liệt trong vài năm tới.
Ông Andrew King, giảng viên khoa học khí hậu tại Đại học Melbourne, nói: “Điều này đáng lo ngại vì chúng ta biết có quá nhiều vấn đề nữa sẽ xảy ra nếu chúng ta vượt mức ấm lên toàn cầu 1,5 độ C, như sẽ có nhiều mùa hè nóng gay gắt hơn, mực nước biển dâng cao hơn và nhiều nơi trên thế giới sẽ trải qua những đợt hạn hán, mưa cực đoan”.
Báo cáo nhấn mạnh rõ rằng biến đổi khí hậu đã và đang xảy ra. Nhiệt độ trong mùa hè như châu Âu vừa trải qua có thể tăng tới 3 độ C. Hạn hán khắc nghiệt đến mức Cape Town ở Nam Phi gần cạn kiệt nước ngọt. Những cơn bão như Harvey và Florence ở Mỹ đã trút xuống một lượng mưa cực lớn.
Điều xảy ra tiếp theo có thể còn tồi tệ hơn trừ khi chúng ta thực hiện một hành động chính trị quốc tế khẩn cấp. Thậm chí nếu tình trạng ấm lên được duy trì ở mức dưới 1,5 độ C thì ảnh hưởng cũng sẽ lớn và trên diện rộng. Các nước ở Nam bán cầu sẽ chịu hậu quả nặng nề hơn cả khi tăng trưởng kinh tế sẽ bị tác động lớn nhất do biến đổi khí hậu một khi tình trạng ấm lên toàn cầu gia tăng.
Báo cáo dài 33 trang, trích hơn 6.000 nghiên cứu do 91 tác giả từ 40 quốc gia viết nói trên là một lời kêu gọi tập thể khẩn thiết cứu lấy Trái đất. Nếu không hành động ngay và hành động quyết liệt, sẽ không còn thời gian nữa.
Thực trạng chống biến đổi khí hậu
Báo cáo ngày 8/10 của IPCC được công bố sau ba năm thực hiện và là kết quả trực tiếp của Thỏa thuận Khí hậu Paris năm 2015. Theo thỏa thuận Paris, 197 quốc gia đã nhất trí mục tiêu giữ nhiệt độ toàn cầu thấp hơn nhiều mức 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp và theo đuổi nỗ lực hạn chế ở mức 1,5 độ C.
Hợp tác quốc tế là điều bắt buộc nếu muốn hạn chế khí thải để làm giảm tình trạng ấm lên toàn cầu và tác động với Trái đất. Mỹ lúc đầu tham gia Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu nhưng Tổng thống Donald Trump đã rút nước này khỏi thỏa thuận sau một năm rưỡi với lý do thỏa thuận không công bằng với Mỹ.
Việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận Paris là một bước lùi trong nỗ lực toàn cầu chống biến đổi khí hậu, một lỗ lực cần sự cam kết chính trị mạnh mẽ quy mô toàn thế giới. Bất chấp cảnh báo khốc liệt được đưa ra trong báo cáo, chưa có dấu hiệu nào cho thấy thế giới có thể đạt được sự hợp tác ở quy mô đó, nhất là khi xét quan điểm về vấn đề biến đổi khí hậu của chính quyền Tổng thống Trump.
Động lực thực thi thỏa thuận khí hậu Paris lịch sử đã giảm đáng kể sau quyết định rút lui của Mỹ, quốc gia đứng thứ hai thế giới (sau Trung Quốc) về lượng khí thải nhà kính. Thiếu Mỹ đồng nghĩa với việc 17,8% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên thế giới không được giảm thiểu, tác động lớn đến mục tiêu khống chế mức tăng nhiệt của Trái đất.
Trong khi đó, hầu hết các hội nghị cấp cao và hội thảo quốc tế về biến đổi khí hậu mới chỉ dừng lại ở những lời kêu gọi và những mục tiêu chung chung, chứ chưa thực sự có được khung hành động cụ thể.
Vấn đề tài chính cũng là yếu tố cản trở nỗ lực hiện thực hóa mục tiêu của thỏa thuận khí hậu toàn cầu. Tại hội nghị COP 21 cách đây 3 năm, các nước ký thỏa thuận cam kết đến năm 2020 sẽ đóng góp 100 tỷ USD mỗi năm để trợ giúp cho những nền kinh tế đang phát triển trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, đến nay, các nước phát triển mới chỉ đóng góp cho quỹ này 10 tỷ USD.
Thế giới cần làm gì?
Báo cáo của IPCC cho rằng một vấn đề chủ chốt cần phải làm là phát triển các công nghệ giảm khí thải CO2 quy mô lớn để giảm lượng khí này trong bầu khí quyển và chống ô nhiễm. Có hai cách chính để loại bỏ khí thải carbonic ra khỏi bầu khí quyển: tăng quy trình tự nhiên để loại bỏ carbonic và sử dụng công nghệ loại bỏ, lưu trữ carbonic. Tuy nhiên, mọi phương pháp đều đang ở giai đoạn phát triển khác nhau và một số mới chỉ là dạng ý tưởng và chưa được kiểm nghiệm ở quy mô lớn.
Muốn giữ mức nhiệt tăng dưới 1,5 độ C, các chính phủ và doanh nghiệp tư nhân phải thực hiện những thay đổi chưa từng có tiền lệ trên quy mô toàn cầu trong các lĩnh vực: hệ thống năng lượng, quản lý đất đai, hiệu quả xây dựng, hoạt động công nghiệp, đóng tàu, hàng không, thiết kế thành phố…
Bà Jennifer Francis, một nhà khoa học khí hậu thuộc Đại học Rutgers chuyên nghiên cứu tình trạng ấm lên ở Bắc cực và ảnh hưởng với khí hậu toàn cầu, nói: Tới năm 2030, phải làm thế nào để lượng khí thải CO2 thực trên toàn cầu do con người thải ra sẽ giảm 45% so với mức 2010 và đạt mức 0 vào năm 2050. Có như vậy, mục tiêu 1,5 độ C mới có thể thực hiện được.
Sắp tới đây, lãnh đạo thế giới và sẽ gặp nhau ở Ba Lan vào tháng 12 để dự vòng đàm phán tiếp theo về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc. Các bằng chứng khoa học về biến đổi khí hậu đã rõ ràng, không thể chối cãi. Câu hỏi duy nhất hiện nay là thế giới có thể tìm được ý chí đạo đức và chính trị để hành động hay không.