Nghề báo - cũng như bao nghề khác - đang đứng trước những thách thức lớn lao trong kỷ nguyên công nghệ. Số liệu của trang thống kê Statista cho thấy, tỷ lệ dùng điện thoại di động để truy cập Internet đã lên đến 63,4% trên toàn thế giới (số liệu ước tính 2019). Theo thống kê của Hiệp hội báo chí xuất bản thế giới (WAN-IFRA), những trang web được xem nhiều nhất hiện nay vẫn là các kênh tìm kiếm thông tin tổng hợp (như Google, Wikipedia), mạng xã hội (như Facebook, Twitter), các trang chia sẻ hình ảnh (như Youtube). Từ những trang web này, người đọc, người xem không cần phải tìm đến các tờ báo, đài truyền hình, phát thanh... mà vẫn tiếp nhận được đầy đủ mọi thông tin trong cuộc sống.
Truyền thông xã hội xuất hiện, đẩy báo chí vào một cuộc cạnh tranh khốc liệt. Các tòa soạn phải liên tục cải tiến để bảo vệ "nồi cơm" của mình đó là độc giả. Các nhà báo, phóng viên cũng phải vật lộn để có sản phẩm thông tin vừa nhanh vừa hấp dẫn. Trong cuộc cạnh tranh đó, hàng trăm tờ báo đã phải đóng cửa hoặc giảm quy mô hoạt động, trong đó có không ít những “tên tuổi” lâu đời. Nhiều phóng viên phải chuyển nghề, đầu quân cho các tập đoàn lớn để làm truyền thông. Tại Việt Nam, đặc thù lĩnh vực đã giúp các tòa soạn không nhanh chóng bị gạt ra ngoài "sân chơi", nhưng rất nhiều tờ báo cũng đang phải hoạt động cầm chừng để tìm hướng đi mới.
Công bằng mà nói, truyền thông xã hội đã thổi một luồng gió mới cho hoạt động cung cấp và tiếp nhận thông tin. Người dân có nguồn thông tin đa dạng hơn, báo chí cũng vì sức ép cạnh tranh mà phải liên tục đổi mới để phục vụ độc giả. Các cơ quan báo chí đã tìm cách khai thác nguồn tin từ các "công dân mạng" để tìm hiểu, làm rõ nhằm cung cấp cho độc giả những tin tức nóng hổi nhất, hấp dẫn nhất mà vẫn đảm bảo nguyên tắc trung thực và chính xác. Trong nhiều tòa soạn, thông tin từ mạng xã hội đã trở thành một phần không thể tách rời của quy trình sản xuất nội dung.
Tuy nhiên, truyền thông xã hội cũng đang bộc những mặt trái. Nhiều đối tượng đã lợi dụng các nền tảng trên Internet để phát tán tin giả, tin độc hại. Một số trường hợp chỉ là nhằm “câu view” hoặc trục lợi cá nhân, nhưng cũng không thiếu những thông tin có mục đích kích động xã hội, chia rẽ cộng đồng, xuyên tạc chính sách của Đảng và Nhà nước.
Trong một bài viết mới đây có nhan đề “Truyền thông xã hội đối với ổn định chính trị, xã hội ở Việt Nam", đồng chí Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương - đã chỉ rõ “truyền thông xã hội bộc lộ những tác động tiêu cực, ẩn chứa những nguy cơ phức tạp, khó lường, thậm chí có khả năng gây chia rẽ sâu sắc, kích động hận thù trong các cộng đồng xã hội”. Bài học từ các nước bị khủng hoảng, chiến tranh đòi hỏi báo chí phải nhận diện chính xác những mặt tích cực và tiêu cực của truyền thông xã hội, nhằm hạn chế, đẩy lùi những tác nhân tiêu cực trong dòng chảy thông tin.
Tại cuộc làm việc hôm 19/6 với Hội nhà báo Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 94 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị các cơ quan báo chí cần "thể hiện những giá trị cốt lõi của mình là cung cấp tin có kiểm chứng, đấu tranh chống lại tin xuyên tạc, tin giả, tin xấu, độc... là sứ mạng của báo chí. Cuộc đấu tranh này sẽ khẳng định vai trò báo chí trong giai đoạn mới”.
Một lần nữa, báo chí chính thống lại đứng trước một cuộc chiến đầy gian nan: Phải làm gì để tiếp tục phát huy tính định hướng trong đời sống thông tin của xã hội? Phải làm gì để để có những thông tin vừa chính xác, vừa nhanh nhạy, vừa hấp dẫn với người đọc? Phải làm gì để đẩy lui những thông tin xấu độc trên môi trường không gian mạng?
Với trách nhiệm xã hội vượt lên trên trách nhiệm công dân thông thường, chắc hẳn mỗi nhà báo đều đã có câu trả lời cho riêng mình.