Màn ẩu đả của các tuyển thủ trên “chảo lửa” Lạch Tray (Hải Phòng) tại vòng 17 mới đây thực sự là cú sốc lớn đối với bóng đá Việt Nam. Sau màn “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” nói trên, đã có gần chục cầu thủ phải nhận các mức phạt khác nhau của Ban Kỷ luật Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF). Đáng nói hơn, với mức phạt của VFF, đội bóng đất Cảng đứng trước nguy cơ không còn đủ lực lượng để tham gia các vòng đấu tới.
Mới qua 2/3 chặng đường, song V-League 2014 đã chứng kiến vô số màn "đấu võ", khiến sân chơi thể thao chuyên nghiệp số một Việt Nam nhuốm màu bạo lực.
Trở lại trận chủ nhà Hải Phòng tiếp Hà Nội T&T (vòng 17), sau khi bị cầu thủ Văn Nam của chủ nhà chơi tiểu xảo, dùng cùi chỏ thúc vào cổ, tiền đạo Samson của Hà Nội T&T đã nổi nóng lao vào đánh trả. Không vừa, Đức Thắng, đồng đội của Văn Nam đã lao vào ăn thua với Samson. Màn ẩu đả diễn ra trước mắt HLV ĐT Việt Nam Toshiya Miura dự khán và trên sóng truyền hình cả nước. Sau màn đấu võ nói trên, Ban Kỷ luật VFF đã ra quyết định treo giò 4 trận với Đức Thắng và Samson, treo giò hết giải với Văn Nam và treo giò 2 trận với Vũ Thanh Tùng (Hải Phòng) vì lao vào "đánh hôi".
Trước đó, tại vòng 5, trong trận V.Ninh Bình tiếp Đồng Tâm Long An, cầu thủ nhập tịch Đinh Văn Ta của chủ nhà có cú song phi đạp thẳng vào tiền vệ Danny phía đội khách, khiến cầu thủ này phải nằm cáng ra sân. Kết quả Danny bị rạn xương sườn và phải nghỉ thi đấu nhiều trận. Còn tại vòng 6, trận Than Quảng Ninh tiếp HAGL, cầu thủ Bruno của chủ nhà sau một pha vào bóng với Anh Tuấn bên phía đội khách đã bị gẫy xương mác, phải nằm xe cứu thương tới thẳng bệnh viện. Sau khi phẫu thuật, Bruno đã không thể tiếp tục sự nghiệp và chịu thất nghiệp đến bây giờ.
Chưa hết, ở vòng 7, trận SLNA gặp An Giang trên sân Vinh, tiền vệ Anh Hùng của đội khách bị Đình Đồng của đội chủ nhà vào bóng rất quyết liệt phải nhập viện cấp cứu ngay sau đó. Kết quả, Anh Hùng bị gãy xương ống chân và phải mổ cấp cứu. Hiện cầu thủ này vẫn đang trong quá trình phục hồi chức năng và có nguy cơ phải giải nghệ.
Bạo lực sân cỏ chẳng phải là một vấn đề mới mẻ gì ở V.League. Gần như vòng đấu nào các trọng tài cũng phải rút quá nhiều thẻ vàng để cảnh cáo lối đá thô bạo của các tuyển thủ. Nhưng hầu như với các thẻ phạt của trọng tài, vẫn chưa đủ để hạ hỏa những cái đầu nóng.
Bạo lực sân cỏ có nhiều nguyên nhân, từ cách điều khiển trận đấu của trọng tài, sự xuống cấp về đạo đức của một bộ phận khán giả, cầu thủ, sự tiếp tay của các đội bóng đến công tác giáo dục các cầu thủ chưa đến nơi đến chốn... Nhưng trên hết, chính là sự thiếu kiên quyết của VFF, VPF trong việc xử lý vi phạm của các cầu thủ.
Từ những mùa giải trước, người ta đã thấy Ban tổ chức luôn có các tuyên bố không nương nhẹ với hành vi bạo lực sân cỏ, nhưng trên thực tế, các vụ việc chỉ được xử lý theo kiểu “giơ cao đánh khẽ” khiến các "con bệnh" lờn thuốc. Trong nhiều mùa giải gần đây, rất nhiều cầu thủ có lối chơi mang tính triệt hạ đối phương, nhưng mức phạt mà VFF áp dụng lại quá nhẹ, không đủ sức răn đe.
Vì vậy không ít tuyển thủ quen lối đá thô bạo vẫn chứng nào tật ấy, coi đó là chuyện... bình thường trong bóng đá. Gần nhất, hành vi của cầu thủ Đinh Văn Ta của V.Ninh Bình gây hậu quả khá nghiêm trọng cho đối phương, nhưng cũng chỉ phải nhận mức án treo giò 2 trận. Phải sau khi bị dư luận phản ứng mạnh mẽ, cầu thủ này mới phải nhận án phạt treo giò 5 trận.
Vậy nên, muốn ngăn chặn được tình trạng bạo lực sân cỏ, không thể trông chờ sự ý thức của các cầu thủ, đội bóng, mà những trường hợp cố có lối chơi thô bạo, phi thể thao, cần phải xử thật nặng. Đây là biện pháp được cho là tối ưu nhất mà Ban tổ chức giải cần phải sử dụng ở thời điểm hiện tại.
Sau khi chứng kiến trận đấu trên sân Lạch Tray, không hiểu tân Huấn luyện viên trưởng đội tuyển bóng đá Việt Nam người Nhật Bản Toshiya Miura sẽ nghĩ gì? Đến từ nền bóng đá phát triển như Nhật Bản, liệu những kinh nghiệm của ông Toshiya Miura có giúp V.League chữa được căn bệnh bạo lực sân cỏ?
Yến Nhi