Đêm 2/12, nhà báo Thu Trang (Báo Phụ nữ TP Hồ Chí Minh) và nhà báo Liên Liên (Đài Truyền hình Việt Nam) cùng nhận được tin nhắn từ một số điện thoại lạ, có nội dung đe dọa: “Mày nên nhớ là cả nhà mày sẽ chết nếu cố tình chọc bọn tao”; “Mày dừng lại đi đừng cố tình quay bọn tao nữa cũng chẳng làm được gì đâu. Tao nói một lần duy nhất và nếu mày không nghe lời thì cả nhà mày sẽ phải chết vì mày”.
Thu Trang và Liên Liên là tác giả của loạt bài điều tra vạch trần hoạt động “bảo kê” tại chợ Long Biên đăng tải tháng 9/2018 sau một thời gian dài thâm nhập thực tế, tìm hiểu, điều tra và phản ánh tình trạng bảo kê ở chợ Long Biên. Đến nay, dù cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, nhưng chưa khởi tố bị can nào, và trong thời gian đó, các nhà báo liên tục nhận sự đe dọa. Ngay sau khi các nhà báo lên kế hoạch quay lại chợ để tiếp tục điều tra, thì nhận được tin nhắn trên.
Đây không phải lần đầu tiên các nhà báo điều tra chống tiêu cực của nước ta bị ngăn cản, đe dọa hay tấn công. Thực tế từng có một nam nhà báo chuyên viết phóng sự, phóng sự điều tra tại Hà Nội bị hành hung đến dập đốt tay, cắt bỏ toàn bộ phần thịt và móng của ngón trỏ tay phải, khiến việc tác nghiệp của nhà báo về sau rất khó khăn. Ngay trong “tháng nhà báo” là tháng 6/2018, một nhà báo tại Nghệ An khi đang làm việc tại hiện trường đã bị hành hung, phải nhập viện trong tình trạng bị đau đầu, buồn nôn, đau bụng, đau ở vùng mắt, thái dương phía bên phải sưng nề, bầm tím... Tình trạng các nhà báo bị bắt giữ, cướp máy ảnh, máy quay, yêu cầu xóa dữ liệu…cũng xảy ra ngày một nhiều. Và đến những tin nhắn mang nội dung hăm dọa tàn độc hướng đến thân nhân các nhà báo này, là biểu hiện đỉnh điểm của việc cái ác, cái xấu đang lăm le chiếm thế thượng phong. Dựa vào thế lực nào, mà các đối tượng côn đồ lại ngang nhiên, hống hách đến như vậy?
Nhà báo Thu Trang, một trong hai nữ nhà báo bị gửi tin nhắn đe dọa, đồng thời là cây bút điều tra có tiếng của làng báo Việt Nam, từng đưa ra ánh sáng các vụ việc như Chùa Bồ đề - Hà Nội, đường dây cán bộ hải quan câu kết trộm hàng container ở Hải Phòng, cò viên chức giáo dục, lò gạch thổ phỉ…, tâm sự: Từng rất nhiều lần bị dọa giết vì thực hiện nhiều loạt bài điều tra, nhưng lần này, cô cảm thấy “lạ lắm, tự nhiên không sợ một chút nào cả mà trống rỗng, chưa bao giờ trống rỗng như bây giờ”.
Cảm giác đó là có thật, khi những dấn thân của nữ nhà báo cùng đồng nghiệp vì sự bình yên, lẽ phải và công bằng, sau khá nhiều thời gian vẫn chưa đạt được kết quả cuối cùng là đưa những kẻ “bảo kê” núp trong bóng tối ra chịu tội trước pháp luật. Đã vậy, những hành vi côn đồ còn không ngừng gia tăng mức độ: ngày càng trắng trợn, tàn bạo hơn, không ngần ngại ra tay với người lương thiện và người đại diện cho lẽ phải.
Người làm nghề báo, nhất là nhà báo điều tra, luôn phải đối mặt với những vất vả vô hình và những hiểm nguy hiện hữu. Ở nước ngoài, nữ nhà báo phanh phui vụ trốn thuế thế kỷ “hồ sơ Panama” đã bị sát hại; nhà báo Jamal Khashoggi bị ám sát với những tình tiết ghê rợn trong lãnh sự quán Ả rập Saudi. Trong nước, mấy tháng trước, cái chết trên sông nước với nhiều tình tiết bất thường của một nữ nhà báo cũng khiến dư luận đặt dấu hỏi, nhất là khi cô đang dang dở loạt bài liên quan tới một dự án đất đai. Chính vì vậy, lời “đe dọa giết” của những kẻ đã bị dồn vào đường cùng là không thể xem nhẹ.
Hội Nhà báo Việt Nam đã kịp thời gửi công văn đề nghị Bộ Công an, Công an Thành phố Hà Nội khẩn trương chỉ đạo điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm hành vi nhắn tin đe dọa hai nữ phóng viên điều tra đưa tin vụ “bảo kê” chợ Long Biên (Hà Nội). Tại cuộc họp báo Chính phủ, Người phát ngôn Bộ Công an, Thiếu tướng Lương Tam Quang, Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết: vụ việc đã được chuyển đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, đồng thời giao cho Công an Hà Nội nhanh chóng điều tra.
Hơn lúc nào hết, dư luận đòi hỏi các cơ quan chức năng bên cạnh biện pháp bảo vệ các nhà báo đang bị đe dọa, phải nhanh chóng có một kết luận điều tra minh bạch, công khai để vạch trần bộ mặt những kẻ cầm đầu, những kẻ đứng sau các băng nhóm xã hội đen bảo kê chợ Long Biên. Tấn công không khoan nhượng, triệt tiêu cái ác, cái xấu, trả lại bình yên cho cuộc sống của người dân – chỉ có như vậy mới thật sự là những biện pháp bảo vệ lâu dài cho xã hội và cho mỗi cá nhân, trong đó có cá nhân những nhà báo dũng cảm, đi đầu đấu tranh cho lẽ phải.