Du khách đi bộ trên vỉa hè vừa lắp các thanh barie tuyến đường Lý Tự Trọng. Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN |
Tiếp theo là tuyên bố của ông Phó Chủ tịch UBND Q.1 rằng, nếu không lấy lại được vỉa hè thì “cởi áo về vườn”. Cùng với lời tuyên bố quả cảm và đầy trách nhiệm này, UBND Q.1 đã lập các đoàn kiểm tra xử lý tình trạng lấn chiếm vỉa một cách quyết liệt và liên tục trong suốt năm nay với quyết tâm đến chừng nào lấy lại được toàn bộ vỉa hè trên địa bàn cho người đi bộ mới thôi.
Có thể nói việc lấn chiếm vỉa hè là một “vấn nạn” khiến cho bộ mặt đô thị lớn đặc biệt là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh ngày càng trở nên nhếch nhác, kém văn minh, an toàn giao thông. Vỉa hè bị lấn chiếm, tận dụng, lạm dụng để làm mặt tiền kinh doanh, bán hàng rong, làm quán nhậu, để xe máy. Ở không ít nơi việc lấn chiếm này còn được hợp thức hóa bởi phường tổ chức các nhóm coi giữ xe trên hè phố, thu phí kinh doanh…
Vỉa hè cũng là nơi xe máy “vô tư” chạy ngược xuôi, vào là giờ cao điểm thì xe máy chạy trên vỉa hè xem như một sự mặc nhiên, nó diễn ra ngay trước mắt cảnh sát giao thông cũng không hề bị xử phạt. Mà dù cảnh sát giao thông có muốn xử phạt thì cũng “lực bất tòng tâm” trước dòng xe máy tràn lên vỉa hè không khác gì dưới lòng đường.
Thực trạng đó đã làm mất đường của người đi bộ, khiến cho TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và nhiều đô thị lớn của nước ta rất ít người đi bộ mà chủ yếu là đi xe máy. Đó là một sự khác thường so với các đô thị trên thế giới.
Điều này cũng khiến cho nhiều khách du lịch không muốn trở lại vì không còn không gian cho người đi bộ, vãn cảnh, thư giãn trên các khu phố có các điểm du lịch. Đã có không ít người, kể cả người nước ngoài, bị tai nạn giao thông thiệt mạng vì phải đi bộ dưới lòng đường. Không còn vỉa hè cho người đi bộ cũng khiến cho số người đi xe buýt sụt giảm vì e ngại mất an toàn khi phải đi bộ dưới lòng đường.
Nó cũng làm cho số người đáng lẽ có thể đi bộ trong bán kính 1-2 km thì phải dùng xe máy hay các phương tiện khác, làm gia tăng phương tiện giao thông cá nhân, giảm hiệu quả các phương tiện vận tải hành khách công cộng, là một nguyên nhân làm cho tình trạng ùn tắc giao thông nặng nề thêm.
Vì thế, việc “đòi lại” vỉa hè cho người đi bộ đã là mong muốn của người dân, là chủ trương của lãnh đạo các cấp từ mấy chục năm qua với nhiều qui định xử phạt, nhiều cuộc “ra quân” rầm rộ với lực lượng phối hợp đông đảo của nhiều ngành. Nhưng qua các đợt cao điểm vào các dịp lễ, tết, hội hè thì tình trạng lấn chiếm vỉa hè lại như cũ. Cả xã hội dù là rất bức xúc nhưng khi nói tới việc “đòi lại” vỉa hè đều cho là “vô kế khả thi” và mặc nhiên chấp nhận một sự sai phạm đã mang tính phổ biến này.
Để chế tài một hành vi vi phạm thường là các biện pháp để những đối tượng trong phạm vi điều chỉnh không thể, không dám và không muốn vi phạm. Đó chính là các biện pháp tuyên truyền giáo dục, phòng ngừa và xử phạt. Với hành vi lấn chiếm vỉa hè xem ra đã “lờn thuốc” đối với các biện pháp xử phạt và tuyên truyền, giáo dục. Việc TP Hồ Chí Minh cho lắp đặt các barie trên vỉa hè là một biện pháp ngăn ngừa để những người muốn cố tình vi phạm cũng không thể.
Có thể đây là một biện pháp vô tiền khoáng hậu từ trước tới nay không chỉ ở nước ta. Vì thế nó gây sự ngạc nhiên, chú ý và cả sự kỳ vọng nữa. Cái mới bao giờ cũng có nhiều cách nhìn nhận nhiều chiều, cả khen lẫn chê, đồng tình lẫn phê phán. Nhưng cái mà cả xã hội đồng thuận và ủng hộ là tinh thần trách nhiệm cùng với quyết tâm lớn của những người có trách nhiệm tại TP Hồ Chí Minh. Với niềm tin rằng, bằng việc lắp barie trên vỉa hè là dấu hiệu của một sự đột phá trong cách nghĩ, cách làm với nhiều biện pháp mới trên lĩnh vực quản lý đô thị hiện nay.