Người hâm mộ môn túc cầu Việt Nam những ngày qua râm ran với phát biểu của ông Chủ tịch Câu lạc bộ Đồng Tâm Long An Võ Quốc Thắng tại buổi tọa đàm “Doanh nghiệp làm bóng đá và hướng đi cho bóng đá Việt Nam” vừa diễn ra tại TP Hồ Chí Minh: “Bóng đá là phải trong sạch. Nhưng tôi thấy CLB nào càng trong sạch càng bị ép. Tôi từng dạy dỗ cầu thủ phải làm bóng đá sạch phục vụ khán giả. Khán giả có hàng trăm nghìn con mắt, làm sao qua mặt được”. Quả thật, phát biểu của ông Chủ tịch CLB Đồng Tâm Long An khiến nhiều người day dứt và nhận được sự đồng tình của dư luận, bởi dư âm của mùa giải V.League 2011 vừa kết thúc đã để lại không ít những điều tiếng về công tác trọng tài, công tác điều hành của Ban tổ chức giải, vấn nạn bạo lực sân cỏ... và đáng buồn hơn là sự thiếu vắng khán giả trong mỗi trận đấu.
Không riêng ông Thắng, rất nhiều doanh nghiệp làm bóng đá ở Việt Nam thể hiện thái độ bất bình với cung cách điều hành của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) trong nhiều mùa giải gần đây, nhất là công tác trọng tài. Xuất phát từ lý do trên mà lãnh đạo Tập đoàn Hòa Phát đã chính thức rút khỏi V.League từ mùa giải tới và không tiếp tục đầu tư cho bóng đá, dù Câu lạc bộ Hòa Phát Hà Nội đã may mắn trụ hạng mùa giải vừa rồi. Thậm chí có ý kiến gay gắt rằng, sở dĩ bóng đá Việt Nam xảy ra nhiều tiêu cực như hiện nay là do lỗi của VFF (từ khâu xây dựng quy chế, điều lệ, đào tạo, đến một chiến lược dài hơi cho bóng đá...). Như phát biểu của ông Nguyễn Đức Kiên – Chủ tịch CLB Hà Nội –ACB tại lễ tổng kết mùa giải 2010 - 2011, một trong những lý do khiến V.League mùa giải 2010-2011 có một kết cục buồn là vấn nạn tiêu cực, mà nổi cộm là những tiếng còi thiếu công tâm của một số “ông vua” sân cỏ. Cũng theo ông Kiên, trọng tài giờ tiêu cực hơn, tinh vi hơn, thủ đoạn hơn mùa giải 2005 rất nhiều (khi bóng đá Việt Nam bắt đầu bước vào chuyên nghiệp). Ông Kiên chỉ đích danh trường hợp trọng tài Trần Công Trọng đã xử ép Hòa Phát, giúp V.Hải Phòng thắng vòng 23 V.League; trọng tài Nguyễn Văn Quyết bỏ qua quả 11m cho Bình Dương, gián tiếp giúp V.Hải Phòng thắng Bình Dương ở vòng 24 V.League. Kết cục là V.Hải Phòng trụ hạng, còn các câu lạc bộ cạnh tranh suất trụ hạng cùng V.Hải Phòng phải rớt hạng. Ấy vậy, khi gặp phản ứng quyết liệt của các câu lạc bộ là cần xử lý nghiêm các trọng tài có biểu hiện tiêu cực, thì Ban tổ chức giải lại đòi phải có bằng chứng!!!. Điều chắc chắn là Ban tổ chức và VFF biết rất rõ trọng tài nào tốt, trọng tài nào không tốt. Chỉ có điều sau mỗi trận đấu mà có sự cố về trọng tài, lại được VFF dễ dàng cho qua. Cuối cùng, những trọng tài có vấn đề vẫn tiếp tục được cầm cân nẩy mực ở những trận đấu có tính quyết định và tiếng còi “trút hận” lại tiếp tục giáng xuống các đội bóng mà vốn dĩ các vị này không ưa!!! Chủ tịch CLB Hoàng Anh Gia Lai Đoàn Nguyên Đức cho rằng, sự xuống cấp của bóng đá Việt Nam có sự “đóng góp” của lực lượng trọng tài. “Có trận đấu đang diễn ra nhưng vì một sự cố nào đó thì cả đội đình công không đá, tại sao trọng tài lại không xử lý? Do trọng tài dung dưỡng tạo ra tiền lệ và việc trọng tài tiêu cực “cấp quản lý biết hết, VFF biết hết”, nhưng vẫn không bị xử lý? Có lẽ đó chính là lý do để ông Kiên khẳng khái rằng, có tới 7 câu lạc bộ sẵn sàng bỏ V.League bởi cung cách điều hành thiếu khoa học, thiếu kiên quyết của VFF.
Các doanh nghiệp từng dành nhiều tâm huyết và đổ cả núi tiền để đầu tư cho bóng đá, đã đề cập rất nhiều vấn đề cần phải làm để cứu bóng đá Việt Nam vượt qua khủng hoảng. Vấn đề đang nằm trong tay VFF. Người hâm mộ hy vọng, từ cuộc mỏ xẻ này, bóng đá Việt Nam sẽ thực sự là bóng đá... sạch. Bởi chỉ với thái độ thẳng thắn, vì cái chung, mới hy vọng có sự thay đổi tích cực trong môn túc cầu ở Việt Nam.
Yến Nhi