Trạm BOT Cai Lậy tạm dừng thu phí 1 tháng. Ảnh: Nam Thái/TTXVN |
Chỉ đạo này của Thủ tướng Chính phủ đã giúp “hạ nhiệt” điểm nóng BOT Cai Lậy. Nhưng để giải quyết triệt để những bất cập này, tránh tái diễn xung đột thì các cơ quan chức năng, đặc biệt là Bộ GTVT cần phải làm minh bạch các thông tin liên quan đến dự án BOT Cai Lậy và các dự án BOT giao thông khác.
Mặc dù ngành giao thông khẳng định làm đúng quy định, không có lợi ích nhóm trong dự án BOT Cai Lậy, nhưng việc cho doanh nghiệp đầu tư 12 km đường tránh và trải thêm nhựa tăng cường mặt đường sau đó đặt trạm để thu phí tất cả các xe chạy trên quốc lộ, kể cả những xe không đi qua đường tránh, rõ ràng là điều bất hợp lý.
Hơn ai hết Bộ GTVT là cơ quan hiểu rõ bản chất của BOT là quan hệ dân sự giữa một bên cung cấp dịch vụ và bên sử dụng dịch vụ có nghĩa vụ phải trả phí. Đồng nghĩa với việc bên sử dụng dịch vụ có quyền (và có điều kiện) để từ chối dịch vụ. Cụ thể, người dân có quyền đi vào con đường mới để trả phí hoặc chọn đi trên con đường có sẵn của Nhà nước mà họ đã đóng phí đường bộ.
Việc chưa minh bạch giữa đầu tư đường tránh và “tăng cường” mặt đường QL1 trong cùng một dự án để thu phí tất cả những xe đi qua QL1 là việc cần xem lại để tránh phản ứng không đáng có của người dân. Thời hạn 1 tháng của Thủ tướng đưa ra, đủ để ngành giao thông và các cơ quan chức năng làm rõ những bất hợp lý trong dự án BOT Cai Lậy cũng như có những giải pháp minh bạch, rõ ràng để tránh lặp lại những xung đột.
Chỉ sau chưa đến 1 ngày Thủ tướng chỉ đạo, ngành giao thông đã đưa ra ba phương án để giải quyết vấn đề BOT Cai Lậy. Tuy nhiên có vẻ các phương án này vẫn chưa thuyết phục. Lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định, phương án dời trạm vào đường tránh (phương án được người dân mong đợi) là khó khả thi vì “phá vỡ phương án tài chính”. Thay vào đó, Bộ GTVT đề xuất thêm phương án... giữ nguyên trạm trên QL1 và đặt thêm trạm trên đường tránh trong bối cảnh những mâu thuẫn về vị trí trạm trên QL1 chưa được giải quyết. Đây có thể là một đề xuất có phần vội vàng.
Cho dù kết quả thế nào, BOT Cai Lậy vẫn tiếp tục thu phí, hay dời trạm thì người dân vẫn chờ đợi và đòi hỏi sự minh bạch ở các cơ quan chức năng và những người thực thi pháp luật.
Trong bối cảnh Chính phủ đang cần huy động mọi nguồn lực xã hội để phát triển hạ tầng, việc chọn hình thức thu hút đầu tư BOT là một chủ trương đúng. Chủ trương này cần được sự đồng thuận của toàn xã hội. Muốn tạo được sự đồng thuận xã hội thì không có cách nào khác ngoài việc phải thực hiện chủ trương một cách minh bạch, không bị chi phối bởi các nhóm lợi ích.
Trên toàn tuyến QL1 hiện có đến 18 trạm thu phí BOT, nhưng người dân không hề có phản ứng và vẫn chấp nhận trả phí vì đó là những dự án đầu tư mở rộng, nâng cấp quốc lộ. Sẽ còn nhiều dự án BOT khác cần sự đồng thuận này của người dân, vì vậy, đừng để những bất cập trong một dự án BOT Cai Lậy làm phá vỡ sự đồng thuận đang có.