Bớt gánh nặng từ ‘khai báo F0’

Thủ tục xác nhận F0 và người khỏi bệnh đang trở thành một gánh nặng mới với y tế cơ sở, gây thêm mệt mỏi với người dân.

Chú thích ảnh
Nhiều trạm y tế cơ sở rơi vào tình trạng quá tải do lượng F1, F0 cao. Ảnh: Thanh Vân-TTXVN

Những ngày qua, số ca mắc COVID-19 tại Hà Nội liên tục lập những kỷ lục mới, đỉnh điểm ngày 28/2 với trên 12.800 ca nhiễm. Có tới 96% số ca nhiễm là nhẹ hoặc không có triệu chứng, chủ yếu điều trị tại nhà, chỉ cần khai báo với y tế phường. Tuy nhiên, một thực tế là thủ tục xác nhận F0 và người khỏi bệnh đang trở thành một gánh nặng mới với y tế cơ sở, gây thêm mệt mỏi với người dân.

Cho đến hiện tại, việc xác nhận F0 vừa là quyền vừa là nghĩa vụ của công dân. Theo Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành, để được hưởng chế độ ốm đau, người lao động điều trị bệnh tại nhà phải có giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội. Hiện nay, chưa có hướng dẫn thống nhất về việc trường hợp F0 điều trị tại nhà thì xin Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội ở đâu, mà mỗi địa phương lại có hướng dẫn khác nhau. Tại Hà Nội và một số tỉnh khác, giấy này được cấp bởi các cơ sở khám, chữa bệnh đã được cấp giấy phép hoạt động. Như vậy người lao động cần đến trạm Y tế phường để xin Giấy xác nhận hoàn thành thời gian cách ly, điều trị nhiễm COVID-19 tại nhà, sau đó nộp lên Trung tâm y tế cấp quận, huyện để được cấp Giấy xác nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội. 

Bên cạnh đó, F0 điều trị tại nhà không khai báo y tế còn phải đối mặt với nguy cơ bị xử phạt vi phạm hành chính. Theo Nghị định 117/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, người có hành vi “che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời hiện trạng bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A của bản thân hoặc của người khác mặc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A” (bao gồm bệnh COVID-19) sẽ bị xử phạt từ 10 - 20 triệu đồng. 

Số ca mắc mới tại Hà Nội vẫn không ngừng tăng lên, những ngày gần đây đều ở mức trên 10.000 ca. Số bệnh nhân COVID-19 thể nhẹ, không triệu chứng chiếm tới 96%, trong đó 95% tổng số ca nhiễm điều trị tại nhà. Nhưng diễn biến này lại đang mang đến áp lực ngày càng tăng cho y tế cấp cơ sở. Do những quy định kể trên, số lượng người mới nhiễm hoặc khỏi bệnh cần xin xác nhận ngày một nhiều, tạo một gánh nặng mới đối với các trạm y tế xã, phường, nơi mà đội ngũ y tế còn phải đảm bảo nhiều công tác khác như rà soát đối tượng nguy cơ, người già có bệnh nền chưa được tiêm đủ mũi; hỗ trợ điều trị tại nhà và nhiều vấn đề phát sinh khác. 

Cần phải khẳng định rằng trong thời gian qua, Hà Nội đã triển khai rất tốt chiến dịch tiêm phủ vaccine, nhờ đó đã kịp thời trang bị cho người dân một tấm khiên bảo vệ đắc lực khi làn sóng lây nhiễm mạnh này tràn tới. Tuy vậy, thành phố đã chưa triển khai được đồng bộ các biện pháp hiệu quả để hỗ trợ người dân trong một thủ tục đơn giản là xác nhận lây nhiễm và khỏi bệnh.

Số lượng F0 ngày càng nhiều, trong khi lực lượng cán bộ y tế mỏng, nhiều người lại nhiễm virus, nên ở nhiều địa bàn đã xảy ra hiện tượng quá tải, khiến nhiều F0 điều trị tại nhà loay hoay tìm cách khai báo hoặc xin chứng nhận khỏi bệnh. Hình ảnh người dân xếp hàng “rồng rắn” chờ xét nghiệm nhanh để xác nhận mắc hoặc khỏi COVID-19 diễn ra ở nhiều trạm y tế đã gây nhiều lo ngại. Nhiều người dân bức xúc vì phải chờ đợi hàng giờ hoặc đi lại nhiều lần mới hoàn thành các thủ tục xác nhận. Không ít người đã khỏi bệnh lại nơm nớp sợ nhiễm lại, hoặc người không nhiễm đi khai báo giúp người nhà cũng ngay ngay nỗi lo lây chéo. 

Những thủ tục bất tiện, gây mất thời gian khiến không ít người dân nảy sinh tâm lý tránh khai báo khi nhiễm virus. Tình trạng này tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng cũng như rủi ro người dân tự điều trị không đúng cách do không được sự hỗ trợ, tư vấn của cơ sở y tế. 

Trong bối cảnh ngành y tế nói riêng và các ngành khác đều đã ứng dụng công nghệ vào nhiều lĩnh vực để nâng cao hiệu quả hoạt động, việc nhiều cơ sở y tế vẫn thực hiện các biện pháp khai báo, xác nhận một cách “thủ công”, gây bức xúc, là điều có thể hiểu được. Người dân ta đã trải qua hơn hai năm chống chọi với đủ nỗi khó khăn do dịch bệnh, đặc biệt là năm 2021 với thời gian giãn cách xã hội kéo dài. Lúc này, họ vừa lo điều trị bệnh, vừa phải nghỉ việc, lại mất thời gian công sức chỉ để xác nhận tình trạng bệnh của mình, đó là bất cập cần phải giải quyết ngay và triệt để.

Trước những vấn đề nảy sinh khi số ca F0 tăng chóng mặt, hôm 27/2 vừa qua, lãnh đạo thành phố Hà Nội đã họp chỉ đạo các giải pháp. Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đã yêu cầu cần có biện pháp giảm tải ngay cho hệ thống y tế cơ sở, khi 8/10 nhân lực ở trạm y tế đang phải tập trung cho các thủ tục hành chính xác nhận F0, thanh toán bảo hiểm… Giải pháp mà người đứng đầu thành phố yêu cầu áp dụng là sử dụng phần mềm quản lý người nhiễm COVID-19 hiệu quả nhất, hướng dẫn áp dụng ngay để rút ngắn quy trình, tạo thuận lợi cho người dân. Lãnh đạo thành phố cũng nhấn mạnh việc điều tiết nhân lực từ phường này sang phường khác, xã này sang xã khác để kịp thời giải quyết những nhu cầu chính đáng của người dân.

Sự vào cuộc của chính quyền Hà Nội nhằm giải quyết những bất cập, tạo thuận lợi cho người dân là điều đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, từ một góc độ khác, Bộ Y tế cũng cần phối hợp với các cơ quan có liên quan khẩn trương nghiên cứu, hướng dẫn, sửa đổi các văn bản theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành những quy định sửa đổi, bổ sung nhằm đảm bảo quyền lợi, giải quyết kịp thời và thuận tiện chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động mắc COVID-19 tại nhà, phù hợp hơn với bối cảnh dịch đang diễn biến phức tạp.

Gánh nặng từ đại dịch dồn trực tiếp hoặc gián tiếp lên người dân đã nhiều. Thiết nghĩ hơn bao giờ hết chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng lúc này cần lưu tâm tìm mọi cách để tháo gỡ bất cứ vướng mắc, khó khăn nào mới nảy sinh, tạo thuận lợi cho người dân vừa đối phó an toàn với dịch bệnh, vừa đảm bảo đời sống kinh tế xã hội.

Thu Hằng
Ngày 28/2, Việt Nam có 94.5 ca F0, Hà Nội tiếp tục tăng lên với 12.850 ca
Ngày 28/2, Việt Nam có 94.5 ca F0, Hà Nội tiếp tục tăng lên với 12.850 ca

Tính từ 16 giờ ngày 27/2 đến 16 giờ ngày 28/2, Việt Nam ghi nhận 94.5 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, Hà Nội tiếp tục tăng cao với 12.850 ca mắc trong ngày.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN