Càng đáng lo ngại, khi Tết Dương lịch đang cận kề, chắc chắn nhu cầu đi lại của người dân tăng cao, cũng đồng nghĩa với nguy cơ về TNGT tăng lên gấp bội nếu không có giải pháp ngăn chặn.
Chỉ vài ngày trước, con số được Ủy ban An toàn giao thông quốc gia thống kê làm nhiều người vợi bớt nỗi lo về TNGT, so với cùng kỳ năm 2014, TNGT trong 11 tháng năm 2015 đã giảm ở cả ba tiêu chí (giảm 2.628 vụ, giảm 301 người chết, giảm 3.551 người bị thương). Có được kết quả trên là nhờ sự nỗ lực vượt bậc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc của nhiều ngành, nhiều cấp, địa phương... Tuy nhiên, TNGT vẫn là một thách thức lớn với toàn xã hội, khi mà ý thức của người điều khiển phương tiện, đặc biệt là tài xế xe khách chưa có sự chuyển biến tích cực.
Thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia như một sự cảnh báo: 80% số vụ TNGT xảy ra gần đây là do người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia. Đó là sự cảnh báo cần thiết bởi cứ vào dịp nghỉ lễ, thường tái diễn cảnh lái xe nhồi nhét, tranh giành khách, phóng nhanh vượt ẩu. Rồi không ít tài xế điều khiển phương tiện trong tình trạng say xỉn, bất chấp luật lệ giao thông, coi thường mạng sống của chính mình đồng thời gây họa cho người khác.
Nhiều ý kiến cho rằng, kết quả phòng, chống TNGT không đạt kết quả như mong muốn, thì ngoài những nguyên nhân đã được đề cập, còn phải kể đến sự yếu kém trong phương thức điều hành cũng như bộ máy quản lý trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là những biểu hiện tiêu cực trong xử lý vi phạm. Đáng quan ngại, TNGT trên các tuyến đường liên tỉnh, tuyến cao tốc còn diễn biến phức tạp; công tác kiểm soát tải trọng phương tiện bị xem nhẹ; chất lượng hạ tầng giao thông cũng như năng lực, hiệu quả của công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm còn nhiều hạn chế; ý thức của người tham gia giao thông còn nhiều bất cập. Có lẽ vì vậy mà thời gian gần đây, qua đường dây nóng, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia liên tiếp nhận được phản ánh của người dân về việc xe chở quá tải, chở quá số người quy định, xe đón trả khách không đúng tuyến, tình trạng tăng giá vé tại nhiều bến xe ở các địa bàn trọng điểm...
Một vấn đề khác, đó là nhiều năm trở lại đây, Nhà nước đã đầu tư nguồn vốn đáng kể phục vụ xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông. Ở các thành phố lớn, các tuyến vành đai, trục đường chính, cầu vượt, hầm vượt được xây dựng với tốc độ nhanh nhằm giải quyết triệt để tình trạng ùn tắc giao thông. Nhưng thật tiếc, tình hình vẫn chưa được cải thiện bởi ý thức của người tham gia giao thông. Trong điều kiện hạ tầng giao thông còn yếu kém, chưa đồng bộ, rất cần nêu cao ý thức của mỗi người về văn hóa giao thông, đạo đức kinh doanh của các chủ doanh nghiệp vận tải. Nếu các chủ doanh nghiệp không vì lợi ích trước mắt mà sử dụng các phương tiện không bảo đảm an toàn; lái xe và người tham gia giao thông nghiêm túc chấp hành Luật Giao thông đường bộ, thì chắc chắn sẽ bớt đi những hệ lụy đau lòng từ TNGT.
TNGT khó có thể giảm, khi những bất cập vừa nêu vẫn tồn tại như một thách thức. Do vậy, người dân đang kỳ vọng vào những giải pháp quyết liệt, hiệu quả nhằm ngăn chặn TNGT đang làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của họ; đồng thời gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế cũng như tinh thần cho nhiều gia đình và cả xã hội.