Những ngày qua, các tỉnh miền Trung liên tiếp lũ chồng lũ, lụt chồng lụt. Hàng chục nghìn ngôi nhà bị ngập đến mái, hư hỏng hoặc đổ sập; hàng chục ngàn héc ta lúa và hoa màu ngập nước mất trắng; tình cảnh hàng trăm ngàn hộ dân vô cùng gieo neo, khốn khó; cơ sở hạ tầng và nhiều cơ sở nuôi trồng thủy sản bị cuốn trôi... Trong khi những vùng trũng khốn đốn trong cảnh nước ngập sâu tới hàng mét, thì các khu vực miền núi lại phải chống chịu với lũ quét và nạn sạt lở đất kinh hoàng.
Tại Quảng Trị, đến ngày 17/10, mưa vẫn tiếp tục trên diện rộng, lũ trên các sông dâng cao, khiến nhiều làng mạc chìm trong biển nước, giao thông tê liệt. Đêm 17 rạng sáng 17/10, nước lũ lên nhanh, khiến nhiều hộ dân trở tay không kịp, mắc kẹt giữa biển nước đành lên mạng xã hội đăng những dòng cầu cứu khẩn thiết. Tại Thừa Thiên Huế, mưa lũ dồn dập khiến nhiều nhà cửa làng mạc ngập sâu trong nhiều ngày liền. Người dân ở nhiều vùng quê đang kiệt sức vì đói, vì lạnh. Tại Quảng Nam, mưa lũ và thời gian nghỉ học kéo dài khiến nhiều trường học phải làm điều chưa có tiền lệ: sơ tán học sinh khỏi vùng lũ. Tại Quảng Bình, nước lũ về nhanh chưa từng thấy trong nhiều năm qua, mưa rất lớn, mất điện khiến hàng nghìn người chấp chới, kêu cứu trong đêm 17 rạng sáng 18/10.
Chưa hết, giữa những đợt mưa lũ không ngớt, nhiều thảm kịch đã liên tiếp xảy ra. 13 chiến sĩ trong đoàn cứu hộ Thuỷ điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên Huế) đã hy sinh trên đường làm nhiệm vụ và 17 công nhân bỏ mình trong những lớp đất đá ào ạt lở xuống. Một quả núi sạt lở đã vùi lấp cả gia đình 6 người ở Hướng Hoá, Quảng Trị. Và đau thương mới nhất lại xảy ra vào rạng sáng nay, 18/10, khi 22 cán bộ chiến sĩ thuộc đoàn kinh tế Quốc phòng 337 đã bị vùi lấp trong trận lở núi ở xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị.
Sáng 18/10, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã họp khẩn và thống nhất kích hoạt cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất cấp 4. Hiện nay, lũ đã vượt lịch sử và tình hình mưa lũ, sạt lở đất tại khu vực Trung Bộ còn diễn biến phức tạp, khó lường.
Thiên nhiên đang không ngừng thử thách lòng người, sức người miền Trung. Và chính trong những ngày này, nhân dân cả nước cũng đang nỗ lực chạy đua với thời gian để đưa những hàng hoá thiết yếu đến với đồng bào, san sẻ khó khăn trong cơn hoạn nạn.
Trong chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo” diễn ra tối 17/10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định: "'Chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau’ không phải là lời hô hào suông, đó là sự đồng cảm, tình thương yêu đùm bọc và mệnh lệnh trong trái tim mỗi chúng ta". Nhấn mạnh bão lũ lớn diễn ra ở miền Trung đã phá hủy nghiêm trọng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của nhiều địa phương, Thủ tướng cho rằng, tình hình thiên tai sẽ làm cho rất nhiều gia đình rơi vào cảnh đói nghèo, kiệt quệ về kinh tế, sức khỏe, cần được đặc biệt quan tâm, giúp đỡ.
Lúc này, cứu giúp miền Trung đã trở thành một “mệnh lệnh trong trái tim” mỗi người dân Việt. Bất chấp trời mưa tầm tã, trên quốc lộ 1 và các tỉnh lộ nơi nước lũ đã mấp mé tràn bờ, những đoàn xe tải với những dòng chữ “Hướng về miền Trung”, “Thương về miền Trung”… vẫn nối đuôi nhau, ngược xuôi vào các rốn lũ. Những chuyến xe đầy ắp hàng hoá cứu trợ, gửi gắm trọn tình cảm, tấm lòng sẻ chia của người dân cả nước hướng về dải đất hẹp nhiều thương đau.
Từ những người lao động, tiểu thương, công nhân viên chức bình thường, cho đến các văn nghệ sĩ, doanh nhân, cán bộ lãnh đạo, tất cả đều chung một tấm lòng, chung một nghĩa cử: làm thế nào để cùng san sẻ khó khăn với “khúc ruột miền Trung”. Không ít em học sinh đã nhịn ăn để góp số tiền nhỏ bé gửi đến đồng bào bị mưa lũ; hàng vạn công nhân viên chức góp ngày lương, ngày công lao động để san sẻ khó khăn; nhiều nhóm bạn trẻ, nhóm thiện nguyện ở các thành phố đã tức tốc kêu gọi ủng hộ và lao nhanh vào tâm lũ với hàng trăm thùng mì, chai nước, hộp sữa... Hình ảnh các nữ ca sĩ Mỹ Tâm, Thuỷ Tiên lặn lội vào tận vùng ngập lụt trao quà cho bà con đang lan toả khắp cộng đồng mạng. Chỉ sau hơn 3 ngày kêu gọi đóng góp, ca sĩ Thủy Tiên đã nhận được hơn 40 tỷ đồng cứu trợ cho người dân vùng lũ lụt. Đặc biệt nhiều tỉnh, thành, bộ ngành, đoàn thể trên cả nước đã phát động những chương trình “Hướng về đồng bảo miền Trung”, thu hút sự ủng hộ vật chất của đông đảo các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp.
Những thùng mì tôm, hộp bánh, bộ quần áo hay mảnh áo phao đến với đồng bào lúc này thể hiện tinh thần “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách” của dân tộc ta. Mì tôm dường như đã trở thành “biểu tượng” cho những chuyến hàng cứu trợ, chỉ có điều ở những nơi ngập lụt, nước mênh mang lại không có điện thì việc đun nước nóng để nấu mì là bất khả thi. Người dân chỉ còn cách ăn mì sống, như vậy cũng sẽ rất khó ăn, lại không tốt cho sức khoẻ. Vì vậy bên cạnh mì tôm, những chuyến hàng thiện nguyện cũng cần được cân nhắc sao cho mang đến người cần giúp những sản phẩm, vật dụng hữu ích nhất, tuỳ theo hoàn cảnh thực tế. Đồng bào ta ở những vùng ngập lụt cũng đang cần lắm các loại thực phẩm, nhu yếu phẩm, dụng cụ cần thiết khác để sinh tồn trong cảnh ngập lụt cũng như để khôi phục cuộc sống khi nước dần rút đi.
“Thương về miền Trung” sẽ không chỉ là những gói hàng cứu trợ khẩn cấp quý báu giúp người dân chống đói qua ngày, mà còn là những giải pháp giúp đồng bào bảo đảm vệ sinh môi trường, phòng tránh dịch bệnh; giúp các em học sinh sớm trở lại trường lớp, khôi phục các cơ sở hạ tầng bị hư hại, và giúp người dân dần khôi phục sản xuất, ổn định đời sống.