Quốc hội khóa V Vương quốc Campuchia đã bắt đầu kỳ họp đầu tiên ngày 23/9/2013 tại thủ đô Phnom Penh, với sự có mặt đầy đủ của nghị sĩ thuộc Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền, bất chấp một thực tế là tất cả 55 nghị sĩ được bầu thuộc đảng Cứu nguy Dân tộc Campuchia (CNRP) đối lập đã tẩy chay để phản đối cái mà họ liên tục rêu rao là “gian lận” trong bầu cử.
Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni (áo đen), và các thành viên Quốc hội mới. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo đúng quy định của Hiến pháp Vương quốc Campuchia, kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa mới (2013-2018) đã được triệu tập không muộn hơn 60 ngày, kể từ ngày bầu cử (28/7/2013). Và như thường lệ, phiên khai mạc kỳ họp đã diễn ra hết sức trọng thể tại trụ sở Quốc hội, dưới sự chủ trì của Quốc vương Norodom Sihamoni, trước sự chứng kiến của đông đảo khách mời cùng rất nhiều phóng viên báo chí Campuchia và quốc tế.
Đáng tiếc là nghị trường phải để trống 55 ghế nghị sĩ.
Tuy nhiên, mọi việc vẫn diễn ra bình thường. Các nghị sĩ có mặt tại kỳ họp đã bầu được Chủ tịch và các Phó Chủ tịch Quốc hội, bỏ phiếu tín nhiệm thông qua danh sách nội các mới do Phó Chủ tịch CPP Hun Sen, người đã được Quốc vương Norodom Sihamoni ký sắc lệnh bổ nhiệm làm Thủ tướng nhiệm kỳ V, đệ trình. Các nghị sĩ CPP cũng đã đến Hoàng cung dự lễ tuyên thệ trước Quốc vương và nhận quy chế miễn trừ dành cho nghị sĩ Quốc hội.
Thủ tướng Hun Sen cùng các thành viên nội các mới của Campuchia đã làm lễ tuyên thệ nhậm chức trước Quốc vương Norodom Sihamoni.
Với kết quả đạt được trong những phiên đầu tiên tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa mới, các cơ quan lập pháp và hành pháp Campuchia nhiệm kỳ 2013 - 2018 đã có đầy đủ cơ sở pháp lý theo hiến định để hoạt động bình thường.
Điều đó cũng đồng nghĩa với việc cánh cửa pháp lý đã đóng lại đối với mọi mưu toan khiếu nại kết quả bầu cử của phe đối lập.
Sự trống vắng ở 55 ghế nghị sĩ có tạo ra khoảng trống trong nghị trường, nhưng không thể tạo ra "khoảng trống quyền lực" như đã từng xảy ra sau cuộc bầu cử Quốc hội năm 2003. Hiến pháp Campuchia đã được tu chính năm 2006, theo đó, một đảng chỉ cần giành được 50% + 1 số ghế trong Quốc hội là có quyền đứng ra thành lập chính phủ. Vì vậy, sự tẩy chay của phe đối lập không có tác dụng tạo ra “hàng rào pháp lý” để ngăn CPP thành lập chính phủ mới.
Thực tế cho thấy mọi nỗ lực cản đường mà phe đối lập cố công thực hiện dưới sự đạo diễn của thủ lĩnh đảng CNRP Sam Rainsy đã không thành công, từ việc dứt khoát không công nhận kết quả bầu cử, rồi đệ đơn khiếu nại, đòi thành lập ủy ban độc lập với sự tham gia của Liên hợp quốc để điều tra các "vi phạm" trong bầu cử, đến tổ chức biểu tình gây đổ máu và cuối cùng là tẩy chay kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa mới. Không những thế, bằng hành động tẩy chay, các nghị sĩ đối lập đã tự để mất cơ hội và mất quyền trong việc tham gia quyết định những vấn đề cực kỳ hệ trọng tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa này.
Kết cục là họ giống như những người bị lỡ tàu.
Tuy nhiên, như Thủ tướng Hun Sen tuyên bố, khả năng đàm phán và thỏa hiệp giữa CPP và CNRP chưa phải là đã hết và cửa Quốc hội Campuchia vẫn rộng mở để các nghị sĩ đảng CNRP có thể trở lại nghị trường và cơ hội vẫn để ngỏ để một số nghị sĩ phe đối lập có thể được bầu bổ sung vào ban lãnh đạo Quốc hội và các ủy ban của Quốc hội.
Dù ở thế thượng phong với thắng lợi giành được đa số ghế trong Quốc hội và có đầy đủ cơ sở pháp lý để vận hành bộ máy lập pháp và hành pháp của đất nước, bất chấp sự tẩy chay của các nghị sĩ đối lập, đảng cầm quyền CPP vẫn chìa bàn tay đầy thiện chí về phía đối thủ của mình.
Sự thiện chí ấy xuất phát từ tinh thần hòa hợp dân tộc, với mong muốn đảm bảo sự ổn định để phát triển đất nước nhằm phục vụ lợi ích tối cao của dân tộc Campuchia.
Vậy thì các nghị sĩ thuộc đảng CNRP đối lập còn có lựa chọn nào khôn ngoan hơn ngoài việc trở lại nghị trường, xét cả về lợi ích chung cũng như lợi ích riêng của mỗi người trong số họ?
Vả lại, làm gì có lựa chọn nào tốt hơn, khi chính họ cũng hiểu rằng tình thế hiện nay là không thể đảo ngược.
Quốc Uy