Cần lắm học làm cha mẹ

Ba ngày sau vụ việc đau xót với nam sinh lớp 10 tại Hà Nội, tôi nhận được thông báo từ trường THCS&THPT nơi con gái theo học về buổi sinh hoạt dành cho cha mẹ học sinh với chủ đề “Chăm sóc sức khoẻ tinh thần cho trẻ vị thành niên”. 

Đây là lần đầu tiên tôi nhận được một lời mời như vậy, và nó thực sự có ý nghĩa vào thời điểm này, khi liên tiếp các vụ việc xảy ra như những tiếng thét xé lòng với các bậc cha mẹ, với thầy cô và cả xã hội.

Làm cha mẹ chưa bao giờ là một công việc dễ dàng, làm cha mẹ của những đứa trẻ Thế hệ Z lại càng khó hơn nữa. Nếu như bố mẹ của thế hệ 7-8x như tôi gặp khó khăn trong nuôi con, dạy con “vượt khổ” vì điều kiện kinh tế thiếu thốn thời đó, thì bố mẹ của trẻ Gen Z đau đầu dạy con “vượt sướng”. Trên hành trình không êm ả ấy, đầu của nhiều bậc phụ huynh không ít lần như muốn nổ tung bởi những câu hỏi vì sao. Vì sao cha mẹ yêu thương con, hy vinh cho con tất cả, mà..; vì sao các con sung sướng đầy đủ đến thế, mà…?

Đó là những câu hỏi rất chính đáng và đương nhiên, bởi không ai sinh ra đã làm cha làm mẹ. Cha mẹ cũng làm cha mẹ lần đầu, thậm chí là lần thứ hai, thứ ba mà vẫn gặp khó khăn, nếu như ta chưa học được cách làm cha mẹ cho đúng. 

Bạn sẽ hỏi thế nào là đúng? Thời xưa cha mẹ vất vả làm lụng nuôi được con ăn đủ no, mặc đủ ấm, cho con được đến trường đã là đúng. Còn thời nay, cha mẹ dù làm hơn thế vẫn chưa “đúng”, chưa “đủ”, vì nếu “đúng” thì “kết quả” đã phải đúng. “Kết quả” ở đây được hiểu là gia đình êm ấm, bố mẹ - con cái vui vẻ, tin tưởng và yêu thương. Còn nếu “kết quả” sai, tức mối quan hệ cha mẹ - con cái không êm ả, bố mẹ và con cái không “happy” thì tức là ta đã chưa biết cách làm đúng ở đâu đó.

Cái gì ta chưa biết, chưa làm đúng, thì cần phải học. Một bậc cha mẹ bình thường bỏ ra hơn 20 năm để học kiến thức, trang bị bằng cấp các loại, chủ yếu phục vụ cho công việc, cho kiếm thu nhập. Nhưng thử hỏi ta đã bao giờ bỏ thời gian để học làm cha mẹ - một “công việc” cả đời - một cách nghiêm túc, thực tế và hiệu quả? Và xã hội liệu đã dành đủ sự chú trọng, quan tâm đến nhu cầu học làm cha, làm mẹ hay chưa?

Tôi rất thấm thía câu: “Lá vàng là bởi đất khô. Nhìn cây sửa đất, nhìn con sửa mình”. Trong một nhóm Facebook uy tín dành cho các bậc cha mẹ có con đang tuổi dậy thì, tôi thường xuyên thấy các bố mẹ đặt những vấn đề, những câu hỏi đầy trăn trở về hành trình dạy con của mình. Hầu hết họ đều mong muốn tìm lời giải, tìm sự tư vấn cho những vấn đề mà họ đang bế tắc trong cách ứng xử, thích nghi, hoà hợp với đứa con đang “mỗi ngày một khác” của mình. Sau mỗi bài đăng như vậy, hàng trăm ý kiến được đưa ra, có nhiều ý kiến trái ngược nhau, và nếu may mắn, thì chủ post có thể chọn lọc được những tư vấn hữu ích, phù hợp với mình, để từ đó có thể xoay chuyển mối quan hệ. Còn nếu không, thì họ cũng chỉ biết tiếp tục chịu đựng, tự xoay xở, những mong thời gian trôi nhanh để những đứa con “bước qua cái tuổi dở dở ương ương này”.

Những bậc cha mẹ đã dám nêu vấn đề của gia đình để tìm sự trợ giúp, đó là những người đã nhận thấy “kết quả” sai và muốn sửa, sẵn sàng sửa. Nhưng không phải ai cũng ý thức được điều đó. Trong một buổi họp phụ huynh ở lớp con gái tôi, một phụ huynh cũng là chuyên gia tâm lý đã xin phép có một bài trao đổi về ứng xử với con cái tuổi dậy thì. Bài nói chuyện của chị rất bổ ích, nhưng chỉ có 2 phụ huynh bật cam và tương tác với diễn giả. 

Nhưng tôi tin rằng, buổi sinh hoạt cha mẹ học sinh diễn ra vào cuối tuần này mà Nhà trường tổ chức sẽ có rất đông phụ huynh tham dự. Đại dịch COVID-19 là cuộc thử thách có lẽ là dữ dội nhất với mối quan hệ cha mẹ - con cái, khi các con bị ngắt khỏi những tương tác xã hội, nhà trường, bạn bè vô cùng cần thiết, khi những vấn đề tâm lý do đại dịch làm bộc lộ sâu sắc hơn những khó khăn mà bình thường cha mẹ - con cái đã gặp phải.  

Việc học làm cha làm mẹ, tốt nhất nên bắt đầu từ rất sớm, chứ không nên để đến khi vấn đề xảy ra, khi các con có những biểu hiện tiêu cực, thì cha mẹ mới học. Nhà sinh học người Nga Petrovic Pavlov từng nói: "Trẻ sơ sinh đến ngày thứ 3 mới bắt đầu dạy dỗ là đã chậm mất 2 ngày". Nếu như con cái chúng ta bắt đầu học từ khi còn trong bụng mẹ, khi mở mắt chào đời và bước qua từng năm tháng tuổi thơ cho đến khi trưởng thành, thì bố mẹ cũng phải trải qua những học hỏi tương ứng, để hiểu, bắt kịp với sự phát triển cả về thể chất và tâm sinh lý của các con. Chúng ta không thể bệ nguyên sự giáo dục, nuôi dạy mà ta được truyền lại từ thế hệ trước lên con cái ta, vốn là một thế hệ lớn lên, chịu ảnh hưởng từ một môi trường, bối cảnh xã hội hoàn toàn khác. 

Tuy nhiên, không thể phủ nhận một thực tế là việc tuyên truyền, bồi dưỡng, tư vấn cho cha mẹ trong nuôi dạy con cái, xử lý những vấn đề tâm lý lứa tuổi, gia đình vẫn đang là một lỗ hổng tại nước ta. Các bậc cha mẹ ngày nay chủ yếu nuôi dạy con bằng kinh nghiệm bản thân, tham khảo những người xung quanh, trong các hội nhóm, hoặc tự tìm đọc sách báo. Không ít bố mẹ khi gặp những vấn đề trong quan hệ với con cái, thì không biết tìm sự trợ giúp ở đâu.

Những chương trình giáo dục thật sự ý nghĩa kiểu như serie “Cha mẹ thay đổi” do VTV7 thực hiện cách đây một vài năm, còn chưa xuất hiện nhiều. Những cơ sở tư vấn, bồi dưỡng, thậm chí trải nghiệm dành cho cha mẹ - con cái, hay các diễn đàn trao đổi và hỗ trợ cũng còn nhỏ lẻ, chưa được chú trọng đúng mức. Xã hội chúng ta, đáng buồn, là vẫn chưa cởi mở với vấn đề “cha mẹ cũng phải học”, vì thế chưa thực sự tạo được sự thay đổi trong nếp nghĩ của các bậc phụ huynh.

Tất nhiên, “học làm cha mẹ” mới chỉ là một vế, một yếu tố; chúng ta cần thêm nhiều yếu tố khác, từ chính các con, từ nhà trường, từ nền giáo dục và xã hội để có thể xây nên những gia đình hạnh phúc, mái trường hạnh phúc và quốc gia hạnh phúc.

Thu Hằng
Vụ học sinh nhảy lầu: Cần đóng đoạn clip  và ngừng lan truyền bức thư trên không gian mạng
Vụ học sinh nhảy lầu: Cần đóng đoạn clip và ngừng lan truyền bức thư trên không gian mạng

Những ngày qua, dư luận xôn xao về việc cháu L.N.N.M. (sinh năm 2006, học sinh Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam) trú tại chung cư Văn Phú Victoria, phường Phú La (Hà Đông, Hà Nội) viết thư gửi bố mẹ và nhảy từ tầng 28 xuống đất, gây tử vong vào ngày 1/4.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN