“Cắt” danh sách ngành nghề cấm kinh doanh

Ngày 19/8, trong cuộc họp Thường trực Chính phủ với các Bộ, ngành thảo luận và cho ý kiến vào Báo cáo rà soát, xây dựng danh mục ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh, danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, Bộ Kế hoạch – Đầu tư cho biết sau khi rà soát danh mục 51 ngành nghề cấm kinh doanh, Bộ này đã thu hẹp danh sách, chỉ còn 8 ngành. Đồng thời, 56 ngành nghề kinh doanh có điều kiện cũng được để xuất đưa ra khỏi danh sách (tổng số có 3 ngành nghề).


Đây là động thái nhằm chuẩn bị cho Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) trình Quốc hội thảo luận vào kỳ họp tới, sau khi hai dự luật này đưa ra và chưa được thông qua trong kỳ họp mới đây.


Dư luận có lẽ sẽ còn bàn thảo tiếp về các ngành nghề còn lại trong danh sách các ngành nghề cấm kinh doanh và kinh doanh có điều kiện. Tuy nhiên, điều không thể không ghi nhận là việc Bộ Kế hoạch đầu tư và các bộ ngành liên quan đã bám rất sát với tinh thần của Hiến pháp mới khi “cắt” bớt danh mục ngành nghề cấm kinh doanh. Doanh nghiệp, người dân được quyền tự do thực hiện hoạt động đầu tư, kinh doanh trong tất cả các ngành, nghề mà luật pháp không cấm.

“Cắt” bớt danh mục lĩnh vực cấm và kinh doanh có điều kiện đồng nghĩa với việc mở rộng hơn nữa cơ hội đầu tư cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tạo điều kiện để những cá nhân và doanh nghiệp có khả năng và nhu cầu tham gia thương trường, góp phần phát triển kinh tế thị trường, từ đó phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Thêm vào đó, việc xác định rõ trong luật về các ngành nghề có hạn chế kinh doanh sẽ góp phần tạo sự thông thoáng trong môi trường đầu tư, tăng cường tính minh bạch trong quản lý nhà nước, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp quốc gia.


Đương nhiên, khi “nới lỏng” cơ hội đầu tư kinh doanh của mọi thành phần, đối tượng thì các cơ quan chức năng sẽ vất vả hơn trong công tác quản lý. Để bảo đảm hiệu quả quản lý nhà nước trong khi tạo điều kiện tối đa cho người dân, thì còn cần rất nhiều “giải pháp kỹ thuật” cần được triển khai song song. Mục tiêu cuối cùng là để môi trường đầu tư thông thoáng nhưng vẫn được giám sát, hậu kiểm chặt chẽ, và thể hiện tầm nhìn xa trông rộng của một văn bản luật.


Tuy nhiên, cần nhìn ở đây cơ hội căng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, hiệu quả của cải cách thủ tục hành chính, tăng cường tính minh bạch… của môi trường đầu tư. Và hơn hết là tạo thuận lợi tối đa cho người dân kinh doanh, làm giàu cho cá nhân và đất nước. Chính vì vậy, dù cơ quan nhà nước có thể sẽ vất vả hơn, nhưng không thể không làm, vì quyền lợi của mỗi công dân, và vì sự phát triển của sản xuất, kinh doanh trong nước.

 

Thái Hòa

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN