Không khỏi cầm lòng khi đứa trẻ chưa đầy 1 tuổi ở cơ sở mầm non Sơn Ca (Quảng Bình) bị cô giáo trói ngược tay chân, nhét giẻ vào miệng, dùng thìa đánh liên tục vào tay. Còn tại cơ sở giáo dục mầm non ở huyện Văn Quan (Lạng Sơn), chỉ vì không chịu ngủ trưa, một cháu bé đã bị cô giáo nhốt ở sân sau lớp học, sợ hãi, khóc khản giọng đòi vào, sau vì đói đã bới thùng rác tìm đồ ăn.
Không còn phải bàn cãi, hành vi của những người nuôi dạy trẻ tại các cơ sở mầm non kể trên đã gây hậu quả nghiêm trọng. Hành vi đó không chỉ xâm phạm sức khỏe, thể chất và tinh thần của trẻ em, mà còn đi ngược lại với truyền thống đạo đức xã hội. Câu hỏi được đặt ra, vì sao chúng ta có hệ thống pháp luật, các tổ chức bảo vệ trẻ em, mà xu hướng bạo hành trẻ vẫn không thuyên giảm?
Thực tế cho thấy, thời gian gầy đây, rất nhiều cơ sở trông giữ trẻ mọc lên một cách tự phát, thiếu sự quản lý, giám sát của cơ quan chức năng cũng như chính quyền địa phương, nhất là ở các khu công nghiệp, khu chế xuất. Ở những khu vực này, các cặp vợ chồng trẻ thường từ nông thôn ra thành thị kiếm sống, đồng lương ít ỏi, đành nhắm mắt gửi con vào các cơ sở trông giữ trẻ tự phát, nguy cơ con trẻ bị bạo hành rất cao.
Những vụ trẻ em bị bạo hành được phát hiện trong thời gian gần đây, phần lớn là từ các cơ quan báo chí. Trách nhiệm của các cấp chính quyền, tổ chức đoàn thể trong việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em hết sức mờ nhạt. Bên cạnh đó, công tác truyền thông, tuyên truyền, vận động về phòng chống xâm hại trẻ em chưa chưa được quan tâm đúng mức... Điều đó cũng lý giải vì sao tình trạng bạo hành trẻ em chưa được ngăn chặn triệt để.
Nhiều ý kiến đề nghị, để trẻ không bị xâm hại, cần phải nâng cao ý thức trách nhiệm cũng như trình độ năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, đội ngũ cộng tác viên làm công tác chăm sóc, giáo dục trẻ em, nhất là ở cấp xã, phường, thôn, bản, cụm dân cư. Bên cạnh đó, cần hình thành các dịch vụ xã hội bảo vệ trẻ em có tính hệ thống, liên tục và chuyên nghiệp theo cả hai hình thức công ích Nhà nước và xã hội hóa... Cũng cần xóa đi sự thờ ơ, vô cảm của cán bộ cơ sở, những người dân sống xung quanh. Việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em phải xuất phát từ tình thương yêu, tinh thần trách nhiệm đối với trẻ em. Có đẩy lùi được sự vô cảm thì mới hy vọng đẩy lùi được nạn bạo hành, ngược đãi trẻ em.
Mới đây, liên ngành Giáo dục Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội đã ra văn bản về tăng cường công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em ở lứa tuổi mầm non. Tuy nhiên, sự phối hợp này chỉ được chú trọng ở khu vực nội đô, nội thị, khu vực các trường công lập. Còn các địa bàn khó khăn, khu vực các trường dân lập thì chưa nhận được sự quan tâm cần thiết. Thế nên, rất nhiều trường hợp đáng tiếc xảy ra trong các nhóm, lớp mầm non nằm ngoài hệ thống công lập. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để chính sách ưu đãi của Nhà nước đến được với trẻ em ở cả khu vực giáo dục dân lập. Đây là việc không phải của riêng ngành giáo dục, mà cần sự phối hợp của chính quyền địa phương, từ tổ dân phố tới phường xã. Các trường, cơ sở mầm non dân lập rất cần có một bộ phận (có thể là ban, hoặc hội đồng), bao gồm đại diện phụ huynh, chính quyền và đại diện ngành giáo dục đào tạo để theo dõi, giám sát công tác chăm sóc, dạy dỗ trẻ.
Một vấn đề không kém phần quan trọng, là sự vào cuộc quyết liệt của các ban, ngành, đoàn thể, cộng đồng trong việc giáo dục và chăm sóc trẻ. Bên cạnh đó là vai trò của các cấp chính quyền trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm. Có làm được như vậy thì mới ngăn chặn được những chuyện đau lòng xảy ra đối với trẻ em.