Chỉ còn một tuần nữa, năm học 2014 - 2015 chính thức khai giảng. Ngành giáo dục đã triển khai đồng bộ nhiều hoạt động trên quy mô toàn quốc để chuẩn bị bước vào một năm học mới, với tinh thần theo NQ số 29- NQ/TƯ về “đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.
Hiếm có một ngành nào, mà từ “đổi mới” lại gây nhiều quan tâm như vậy trong xã hội. Một phần, bởi sự đổi mới luôn hàm chứa trong nó những thay đổi có thể tác động tới từng học sinh, từng gia đình. Phần khác, chủ trương “đổi mới” là điều mà dư luận xã hội vẫn thường nghe, trong nhiều năm nay, về các mặt hoạt động chung của ngành giáo dục. Đổi mới, song hành với nó là những biến chuyển về công tác quản lý giáo dục, về môi trường giáo dục, về hiệu quả công tác đào tạo, về chất lượng SGK, chương trình dạy và học cùng đội ngũ nhà giáo.
Gắn với những chuyển mình, dù ít dù nhiều trên toàn hệ thống, “đổi mới giáo dục” luôn đi cùng những khoản kinh phí (có thể nói là) không nhỏ, nếu không muốn nói là “khổng lồ”. Có lẽ chính vì vậy, dù đã được nhắc đến nhiều, song cụm từ “đổi mới giáo dục” vẫn luôn là cụm từ nhạy cảm, thu hút sự quan tâm của dư luận.
Kinh tế đất nước và của mỗi gia đình ngày càng khá hơn so với trước, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cùng với truyền thống trọng đạo của người Việt Nam khiến không một gia đình, một bậc phụ huynh nào không muốn con em mình được học tập trong điều kiện tốt nhất có thể. Do vậy, dù có thể thiếu thốn đôi chút, nhưng mỗi nhà, mỗi người đều không đắn đo dành kinh phí cho việc học tập của con em. Từ đó suy ra, xã hội cũng không hẹp lòng gì nếu phải đầu tư những khoản kinh phí đáng kể dành cho giáo dục. Rất nhiều đề án dành cho đổi mới giáo dục các cấp, dành cho đổi mới chương trình, sách giáo khoa, trang thiết bị trường học… đã được triển khai trong những năm trước đây, cho thấy sự coi trọng và kỳ vọng của Đảng, Nhà nước cũng như toàn dân về sự đổi mới của ngành giáo dục.
Tuy nhiên, cũng qua nhiều công cuộc “đổi mới” trước đó, sự biến chuyển thực sự cơ bản của ngành giáo dục dường như vẫn là điều đang còn được tìm kiếm. Vẫn còn đó những vướng mắc ở tầm vĩ mô, như công tác quản lý, điều hành; vẫn còn đó những nhức nhối trong môi trường học đường, như bệnh thành tích ngày càng biến tướng, sự tồn tại của nạn chạy trường, chạy lớp, lạm thu, “ép buộc mang danh tự nguyện”, dạy thêm học thêm… Đặc biệt là khẩu hiệu “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, chưa thực sự đạt được mục tiêu, khi gánh nặng học hành, thi cử, thành tích vẫn trĩu trên vai các học trò, phụ huynh và cả thầy cô, nhà trường.
Dường như, đâu đó, vẫn thiếu một giải pháp căn bản, nhằm tạo nên chuyển biến, thực sự tạo nên ĐỔI MỚI. Giáo dục đào tạo, sau nhiều trăn trở, đến nay đã có những khởi sắc, nhưng dường như vẫn chưa thoát khỏi cách dạy theo hình thức truyền đạt kiến thức một chiều, chưa thực sự khơi dậy những tiềm năng thế mạnh và óc sáng tạo của mỗi học sinh; vẫn là sự ban phát, “cung cấp những gì ngành có” chứ chưa đáp ứng nhu cầu của mỗi người học và nhu cầu sử dụng nguồn tri thức của toàn xã hội; vẫn là tâm lý “xin cho” chứ chưa thực sự coi người học là trung tâm.
Chính vì vậy, xã hội, sau rất nhiều năm, đã đến lúc từ chối một vài đề án chỉ thoạt nghe đã thấy là sự tốn phí tiền của, mà hiệu quả thực sự thì chưa thể kiểm chứng. Những phản ứng của dư luận trước “đề án 34.000 tỷ”, hay gần nhất là “chương trình máy tính bảng” cho thấy: Mỗi người học, mỗi gia đình đã thực sự ý thức được quyền của một người được cung cấp dịch vụ, để đòi hỏi những đổi mới thực chất, cơ bản, chất lượng, chứ không chỉ là những đổi mới mang tính hình thức, bề ngoài, hời hợt.
Năm học mới đã bắt đầu với chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Làm sao “đổi mới” không bị thờ ơ, bị tặc lưỡi hay bị phản ứng, là trách nhiệm thực sự của không chỉ ngành giáo dục, mà là của mỗi ngành, mỗi cấp, mỗi cá nhân, tổ chức. Bởi suy cho cùng, chất lượng của sự đổi mới giáo dục phụ thuộc vào quyết tâm và nỗ lực của tất cả mọi thành phần trong xã hội; và sản phẩm của sự đổi mới không cho phép nửa vời, chính là mỗi người con, người em, mỗi người công dân của đất nước, sẽ phụng sự nước nhà trong tương lai.
Thùy Hương