Khoảng 5 giờ 5 chiều 16/5, đối diện với số nhà 108 đường Đại Cồ Việt (Hà Nội) bất ngờ xuất hiện một “hố tử thần” xoáy theo kiểu hàm ếch với độ sâu gần 1m và lớp nhựa mặt đường bị thủng một lỗ với đường kính khoảng 40 cm. Nhiều người qua đường tò mò ra xem và giật mình khi thấy một hố sâu hoắm ở phía dưới. Rất may không có sự cố tai nạn nào xảy ra khi xuất hiện “hố tử thần” này. Trước đó, ngày 24/4, tại đoạn đường này cũng xuất hiện một hố tử thần sâu gần 2 m, rộng hơn 1 m2.
Từ những “hố tử thần” ở đường Đại Cồ Việt, đến tình trạng sụt lún liên tiếp xảy ra tại các công trình đường cao tốc xảy ra trong thời gian gần đây…, khiến dư luận quan ngại về chất lượng công trình giao thông, nhất là với những dự án có quy mô lớn và tính chất phức tạp. Các công trình dù là trọng điểm hay không trọng điểm đều có vấn đề, từ khâu tư vấn thiết kế, giám sát đến thi công, nghiệm thu công trình, tình trạng “quân xanh, quân đỏ” bắt tay nhau giữa chủ đầu tư và nhà thầu trong các dự án, công trình giao thông sử dụng vốn ngân sách.
Có rất nhiều nguyên nhân, nhưng trước hết phải thấy rằng, các công trình được đầu tư bằng vốn ngân sách chưa được kiểm soát chặt chẽ bằng các quy định của pháp luật… Hệ quả là hiệu quả đầu tư giảm, công trình chậm tiến độ và chất lượng không đảm bảo, công trình vừa đưa vào sử dụng đã trục trặc.
Sự cố xảy ra đối với các công trình giao thông trọng điểm (dự án hoàn thiện đường cao tốc Láng - Hòa Lạc, dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương, dự án đường vành đai 3 - Hà Nội, dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng…) trong thời gian qua không chỉ làm tổn hao lớn tài sản của nhà nước và nhân dân, mà còn làm giảm lòng tin của người dân về năng lực quản lý cũng như việc sử dụng vốn ngân sách đầu tư cho các công trình, dự án giao thông.
Để tăng hiệu quả đồng vốn và chất lượng công trình, nhiều ý kiến cho rằng, cần công khai thông tin về các dự án. Do tính đặc thù là thời gian thực hiện kéo dài, có khi một dự án nhưng lại do nhiều chủ thể cùng tham gia thực hiện, quản lý, vốn đầu tư lớn,... nên nguy cơ tham nhũng, tiêu cực ở các công trình, dự án giao thông có thể xảy ra ở bất kỳ công đoạn nào. Hơn nữa, xây dựng giao thông là lĩnh vực rất rộng, bao gồm từ khâu xác định dự án, khảo sát, thiết kế, tổ chức lựa chọn nhà thầu, thực hiện thi công xây dựng, quản lý dự án, chất lượng, tiến độ, chi phí,... chính vì vậy, để quản lý hiệu quả, không thất thoát, lãng phí là điều hết sức khó khăn.
Ngành giao thông vận tải có chủ trương các đơn vị, chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu phải công khai các hoạt động, cung cấp thông tin liên quan đến công trình dự án để người dân giám sát. Tuy nhiên, việc làm này chưa được thực hiện nghiêm túc. Tình trạng các dự án chậm tiến độ, nhà thầu yếu kém vẫn tồn tại ở rất nhiều dự án nhưng không được các chủ đầu tư báo cáo và công khai trước dư luận. Điều này vô hình chung dẫn đến sự lấp liếm, bao che sai phạm. Minh chứng cho việc này là ở không ít dự án, nhiều nhà thầu được phê duyệt trúng thầu, nhưng lại yếu kém cả về năng lực tài chính, kinh nghiệm lẫn nhân sự điều hành. Hơn thế, chưa có cơ chế giám sát chặt chẽ (cả cơ quan chức năng lẫn người dân) đối với tiến độ cũng như chất lượng công trình, do vậy đã xảy ra tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, “cha chung không ai khóc” tại không ít các công trình, dự án giao thông.
Điều dư luận quan tâm lúc này là đơn vị, cá nhân nào phải chịu trách nhiệm về các công trình giao thông chất lượng kém? Thất vọng là vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng. Vấn đề đặt ra, muốn nâng cao chất lượng và giảm thất thoát ở các công trình giao thông, cần phải khẩn trương rà soát lại các chính sách về đầu tư xây dựng theo hướng quy trách nhiệm cụ thể, đơn vị nào làm sai, đơn vị đó phải chịu trách nhiệm.
Yến Nhi