Trước đó, tại cuộc họp ngày 24/12, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết: Cơn bão số 16 rất nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến quần đảo Trường Sa, đến chiều 25/12, bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến Côn Đảo; tối và đêm 25/12, bão ảnh hưởng trực tiếp đến vùng ven biển từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến Cà Mau với gió mạnh cấp 12, giật cấp 15; sau đó tiếp tục gây nguy hiểm cho vùng biển Cà Mau - Kiên Giang và các địa phương trong đất liền với gió cấp 8, giật cấp 11; sóng biển có thể lên trên 10m, sau đó sẽ đi vào đất liền mới suy yếu.
Để phòng chống thiệt hại do bão số 16 gây ra, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố vùng có khả năng chịu ảnh hưởng của bão đã triển khai quyết liệt các biện pháp ứng phó với bão theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai. Bộ đội Biên phòng đã kiểm đếm, thông báo, hướng dẫn cho 69.911 phương tiện/346.221 người trên biển biết diễn biến, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh. Đến 17 giờ ngày 25/12 các tỉnh Bạc Liêu, Hậu Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp đã cấm tàu thuyền đi lại trên sông. Các địa phương cũng đã đưa 430.703 người đến các điểm trú tránh bão, tổ chức chằng chống 180.658 căn nhà. Nhiều tỉnh, thành phố đã cho học sinh, sinh viên nghỉ học từ ngày 25 đến hết ngày 26/12…
Với sự chuẩn bị chu đáo cùng lực lượng ứng trực huy động như trên, cơn bão số 16 may mắn lại không vào đất liền như dự báo nên thiệt hại không đáng kể. Theo báo cáo của các địa phương ở những khu vực bão đã đi qua (quần đảo Trường Sa và Côn Đảo), tính đến 6 giờ sáng ngày 26/12/2017: Chưa có thiệt hại về người và tàu thuyền, chỉ có một số thiệt hại nhỏ về hạ tầng và cây xanh.
Tin vui là vậy, nhưng cũng có ý kiến băn khoăn phải chăng công tác dự báo đã “làm quá lên”, hoặc là dự báo yếu kém không chính xác dẫn đến một lực lượng hùng hậu ra quân phòng chống bão “thừa” kèm theo chi phí không nhỏ. Chưa kể những thiệt hại gián tiếp của xã hội, đơn cử như việc người nuôi tôm ở Bạc Liêu phải thu hoạch tôm chạy bão nên bị thương lái ép giá…
Dự báo thì luôn là… dự báo. Trên thực tế công tác dự báo khí tượng thủy văn ngày càng phức tạp, khi Việt Nam được các chuyên gia quốc tế cảnh báo là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất của biến đổi khí hậu. Một cán bộ lãnh đạo ngành Khí tượng thủy văn đã từng chia sẻ “chúng tôi dự báo có mưa ở khu vực Hồ Gươm, nửa bên này hồ mưa, nhưng nửa bên kia hồ không mưa là cũng bị ‘chửi’”. Tuy vậy, đó cũng không phải là sự bao biện mà thực tế đòi hỏi rằng, công tác dự báo càng ngày càng cần phải chính xác hơn để giảm thiểu hậu quả của thiên tai, đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội.
Trở lại với cơn bão số 16, trước khi nó đi vào vùng biển của nước ta, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông nghiệp Nguyễn Xuân Cường đã cho biết: Bão Tembin - cơn bão thứ 22 đổ bộ vào Philippines gây thiệt hại ban đầu rất lớn với gần 200 người chết, hơn 160 người mất tích. Đây là cơn bão mạnh, trái quy luật vì đổ bộ vào cuối năm, tốc độ di chuyển rất nhanh, khả năng bão đổ bộ vào vùng rất ít xảy ra bão, dân cư vùng cửa sông, ven biển đông đúc, nhiều khách du lịch, cơ sở hạ tầng và kinh nghiệm ứng phó với bão còn rất hạn chế, tàu thuyền hoạt động trên sông, trên biển nhiều, nhất là tàu thuyền ven bờ và trên sông.
Với sự bất thường của cơn bão này, các cấp chính quyền cần phải áp dụng tất cả các biện pháp cần thiết để bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân. Và người dân, trong mọi trường hợp khi có thông báo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, thì cần khẩn trương thực hiện nghiêm túc, không nên để đến lúc chính quyền phải cưỡng chế đi tránh bão. Bởi lẽ, mọi chi phí về tiền bạc, thời gian, cơ hội suy cho cùng cũng không đánh đổi được bằng tính mạng người dân.