Chung sống an toàn với COVID-19

Nhiều tỉnh, thành đang bắt đầu thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội và thay đổi biện pháp từ tập trung chống dịch sang sống chung với dịch COVID-19.

Đây được đánh giá là sự thay đổi phù hợp để có thể khôi phục sản xuất, đưa cuộc sống người dân trở về trạng thái “bình thường mới”. Tuy nhiên, việc nới lỏng giãn cách và sống chung với dịch cũng phải từng bước và thận trọng để tránh dịch bệnh bùng phát trở lại.

Có thể thấy được rằng, sau thời gian dài thực hiện giãn cách, “ai ở đâu ở yên đó” thì quyết định nới lỏng giãn cách sẽ khiến người dân dễ có tâm lý “bung xoã”, mọi người sẽ tìm cách ra đường để thoả mãn cơn “thèm khát” được đi đây đó như trước kia. Thế nhưng, tình hình dịch bệnh COVID-19 hiện nay có thể nói vẫn chưa được kiểm soát triệt để khi số ca mắc mỗi ngày trên cả nước vẫn dao động ở mức 5 con số, việc “bung xoã” sẽ tạo nguy cơ bùng phát dịch trở lại khi có sự tụ tập, sinh hoạt từ đám đông ở các khu vực công cộng.

Chú thích ảnh
Nhiều tuyến phố xung quanh hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) đông nghịt người và xe trong đêm 21/9. Ảnh: Lê Phú/Báo Tin tức

Điều này có thể thấy rõ khi vào tối 21/9 (Rằm tháng Tám âm lịch), người dân Hà Nội từ nhiều nơi đã đổ dồn về các tuyến phố trung tâm để vui đón Tết Trung Thu, khiến nhiều nơi xảy ra ùn tắc. Lực lượng chức năng đã phải vất vả phân luồng giao thông, lập nhiều chốt chặn để hạn chế lượng người và phương tiện nhưng đều bị… vô hiệu hoá. Đây là biểu hiện cho thấy người dân Hà Nội đã quá chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, khi thành phố vẫn đang thực hiện giãn cách xã hội, hạn chế nhiều hoạt động nơi công cộng theo tinh thần Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Việc tập trung đông người, nhất là khi Hà Nội vẫn còn phát hiện các ca mắc COVID-19 mỗi ngày khiến nhiều người đặt ra câu hỏi: Liệu trong đám đông ấy nhỡ có người là F0 thì sẽ thế nào và khi ấy, có thể những nỗ lực phòng, chống dịch bệnh của thành phố Hà Nội bấy lâu nay sẽ phải “đổ sông đổ biển”?!

Trong khi đó, tâm dịch TP Hồ Chí Minh hiện vẫn đang phải thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ đã phần nào kiểm soát được dịch bệnh, khi số ca mắc mỗi ngày đang giảm và số ca tử vong cũng được kéo giảm. Tuy nhiên, do TP Hồ Chí Minh đã có liên tục hơn 3 tháng liền thực hiện giãn cách xã hội với các giải pháp tăng cường, đã khiến nhiều người cảm thấy “cuồng chân” và rất muốn ra đường. Điều này có thể thấy rõ khi những ngày gần đây, Thành phố bắt đầu thực hiện nới lỏng giãn cách ở các khu vực “vùng xanh” và một số lĩnh vực được phép hoạt động trở lại thì lượng người ra đường đã bắt đầu tăng lên. Nhiều tuyến đường trước đây vắng vẻ, nay đã có dấu hiệu đông đúc trở lại.

Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh tại TP Hồ Chí Minh vẫn đang diễn biến phức tạp, số ca mắc COVID-19 vẫn còn ở mức 3.000 - 5.000 ca/ngày nên việc kiểm soát lượng người ra đường vẫn đang được thực hiện gắt gao và có kiểm soát nên không xảy ra hiện tượng “bung xoã”; thế nhưng điều này rất có thể xảy ra khi thời gian tới TP Hồ Chí Minh tiếp tục nới lỏng hơn việc giãn cách.

Sống chung với COVID-19 là giải pháp hiện nay không chỉ ở Việt Nam mà cả các nước trên thế giới, bởi theo đánh giá của các chuyên gia y tế, dịch COVID-19 hiện nay đã ăn sâu vào cộng đồng nên việc tìm và bóc tách F0 trong cộng đồng là điều cần thiết, nhưng khó có thể làm được tuyệt đối. Bởi thế, trong điều kiện hiện nay, giải pháp khôi phục lại sản xuất, đời sống của người dân trong điều kiện có dịch là cần thiết nhằm đưa cuộc sống trở lại trong trạng thái “bình thường mới”. Bởi theo các chuyên gia kinh tế, việc kéo dài thời gian giãn cách sẽ gây thiệt hại kinh tế rất lớn, chưa kể sẽ làm đứt gãy các hoạt động sản xuất, cung ứng nguyên liệu và hàng hoá; đồng thời có ảnh hưởng “sâu” đến đời sống, xã hội của người dân.

Chú thích ảnh
Biển người và phương tiện di chuyển theo hướng Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục – Lê Thái Tổ (Hà Nội). Ảnh: Lê Phú/Báo Tin tức

Theo đó, tại TP Hồ Chí Minh, các địa bàn đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh như Quận 7, huyện Củ Chi và huyện Cần Giờ, các khu chế xuất, khu công nghiệp và khu công nghệ cao được thực hiện thí điểm các hoạt động như cho phép người dân đi chợ 1 lần/1 tuần; bổ sung thêm các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh được phép hoạt động... Bên cạnh đó, Thành phố đang đẩy mạnh tiêm phủ vaccine phòng COVID-19 cho người dân, đảm bảo đến cuối tháng 9, người dân thành phố ít nhất được tiêm 1 mũi vaccine và cố gắng nâng tỷ lệ người được tiêm 2 mũi vaccine lên cao. Điều này để làm căn cứ cho TP Hồ Chí Minh có thể mở rộng giãn cách xã hội và sớm đưa thành phố về trạng thái “bình thường mới” trên toàn địa bàn.

Còn tại Bình Dương, nơi có số ca mắc COVID-19 đứng thứ 2 cả nước (sau TP Hồ Chí Minh) cũng đang nỗ lực mở rộng các “vùng xanh”, tiếp tục thu hẹp các “vùng đỏ”, đưa toàn tỉnh sớm trở về trạng thái “bình thường mới”. Các địa phương, đơn vị trong tỉnh tiếp tục khẩn trương thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp để giảm mạnh “vùng đỏ", "vùng vàng” hay “điểm đỏ", "điểm vàng”, thực hiện “xanh hóa” địa bàn, xây dựng và bảo vệ bền vững các “vùng xanh”; triển khai tổ chức thực hiện khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội trong trạng thái “bình thường mới” sau thời gian giãn cách xã hội.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có chỉ đạo các địa phương về việc triển khai quyết liệt, hiệu quả các biện pháp trong thời gian thực hiện giãn cách là phải kiểm soát dịch nhanh nhất có thể, trong đó có việc đánh giá nguy cơ để quyết định việc giãn cách và nới lỏng giãn cách. Theo đó, việc nới lỏng giãn cách phải thực hiện từng bước, chắc chắn và phải đảm bảo được các tiêu chí an toàn.

Việc các địa phương đang dần quay lại cuộc sống “bình thường mới” cho thấy bước đầu công tác chống dịch đã có được hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, việc đưa cuộc sống trở về “bình thường mới” không có nghĩa là người dân được “bung xoã”, thoải mái như trước đây mà phải đảm bảo những điều kiện phòng, chống dịch; kể cả khi người dân có được “thẻ xanh COVID-19” - tức là đã được tiêm hoàn thành hai mũi vaccine phòng COVID-19. Bởi vậy, các địa phương đang là tâm dịch như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An… đang có những bước đi thận trọng để có thể vừa khôi phục sản xuất vừa đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, mà trước mắt là bảo vệ an toàn cho người dân.

Hiện chủ thể chính trong việc phòng, chống dịch trong giai đoạn mới này vẫn là người dân, do đó, dù đã được tiêm 1 hay 2 mũi vaccine phòng COVID-19, người dân phải tự ý thức thực hiện các biện pháp bảo vệ mình và bảo vệ cộng đồng giống như đã thực hiện trong giai đoạn dịch bùng phát mạnh với việc tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc 5K, không tụ tập đông người nên công cộng…

Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, với tâm lý hân hoan mà người dân lơ là, chủ quan, mất cảnh giác trong việc phòng, chống dịch có thể dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch trở lại rất lớn, khi mầm bệnh từ virus SARS-CoV-2 vẫn còn đâu đó trong cộng đồng. Do vậy, để không phải “phí” thời gian đã thực hiện giãn cách bấy lâu nay, mỗi người dân đều phải nêu cao tinh thần cảnh giác, không tụ tập đông người hay tham gia các điểm sinh hoạt nơi công cộng… đồng thời phải luôn có biện pháp bảo vệ mình và người khác. Đó là trách nhiệm của mình trước cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội, từ đó hỗ trợ ngành chức năng khống chế, kiểm soát và dập dịch một cách có hiệu quả, bền vững; sớm đưa cuộc sống người dân cả nước trở lại bình thường.

Chú thích ảnh
Minh Thuyết
Ấm áp Tết Trung thu giữa đại dịch
Ấm áp Tết Trung thu giữa đại dịch

Trong những ngày qua, tại nhiều địa phương trong cả nước, nhiều đơn vị cùng nhà hảo tâm đã gửi những phần quà ý nghĩa đến các em nhỏ mắc COVID-19 đang điều trị tại các bệnh viện dã chiến, các khu phong tỏa với mong muốn các em có được một Tết Trung thu đầy đủ nhất có thể trong điều kiện dịch bệnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN