Thế nhưng, “cây muốn lặng, gió chẳng đừng”, các thế lực thù địch vẫn luôn rắp tâm, nhẫn nại, dùng mọi thủ đoạn ngày càng tinh vi để chống phá Đảng, trong đó triệt để dùng hình thức tung ra các luận điệu sai trái, xuyên tạc về Đảng, hòng làm lung lay niềm tin trong nhân dân và sự thống nhất trong Đảng. Vì vậy, việc đấu tranh chống lại các luận điệu sai trái là một nhiệm vụ tất yếu mà toàn Đảng, toàn dân cần chung sức, đồng lòng làm và nhất định phải làm quyết liệt, làm có phương pháp để có kết quả tốt nhất.
Bài 1: Âm mưu, thủ đoạn mới tinh vi
Ngay sau khi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, trên các diễn đàn, mạng xã hội đã lập tức xuất hiện chiến dịch tuyên truyền, xuyên tạc thông tin nhằm bôi nhọ vai trò của Đảng, chia rẽ dân tộc và chống phá chính quyền.
Như thường lệ, các thế lực thù địch và phần tử cơ hội ở trong và ngoài nước tiếp tục tấn công vào lĩnh vực chính trị, tư tưởng. Điểm khác biệt là trong những năm gần đây dường như các hoạt động ca ngợi chủ nghĩa đa nguyên đa đảng, ca ngợi nền chính trị dân quyền tư sản đã không còn là hoạt động chủ yếu. Nếu có cũng chỉ tập trung vào một số phần tử cơ hội, bao gồm cả các cựu quan chức, trí thức thất thời quay sang chống phá chế độ vì mục đích thù hằn chính trị cá nhân. Thay vì kêu gọi bỏ Điều 4 trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đòi xây dựng một nhà nước “tam quyền phân lập” theo mô hình phương Tây, các phần tử chính trị tập trung vào tấn công tư tưởng, suy nghĩ của mọi công dân; hướng tới kích động, thúc đẩy quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, công nhân viên chức trong các bộ máy của Đảng và Nhà nước.
Nói tấn công vào "mọi công dân" là bởi thay vì chỉ sử dụng một số nhân vật cựu quan chức, văn nghệ sĩ có tiếng tăm như trước, hiện nay các luồng ý kiến đòi quyền dân sự, tự do báo chí, tự do xuất bản, tôn giáo "không cần sự quản lý của Nhà nước"… lại đến từ một số nhân vật khá bình thường để tạo sự "gần gũi", "đồng cảm" với người dân. Các nhân vật này có thể là một người lao động bình thường chuyên chĩa mũi dùi vào một số hiện tượng tiêu cực trong xã hội như một nhà máy gây ô nhiễm môi trường, một quan chức tham nhũng, một nhân viên trong lực lượng hành pháp nhận hối lộ, một công trình BOT bê bối... Nhiều trường hợp các "nhân vật" đó chỉ là một tài khoản trá hình trên mạng xã hội với địa chỉ, số điện thoại đăng ký ở nước khác. Những đối tượng này tổng hợp, cắt xén các đoạn ghi âm, video clip có chủ đích, lan tỏa mạnh mẽ trên mạng xã hội, đánh trực diện vào tâm lý của mỗi công dân mạng, tạo ra một hình ảnh u ám về tình hình kinh tế-xã hội của đất nước, thậm chí là niềm tin vào chế độ, vào Đảng. Trên thực tế, bị tác động bởi các thông tin một chiều, nhiều người dân đã bị lôi kéo xuống đường, gây mất trật tự an ninh trong các vụ công ty thép Formosa (Hà Tĩnh) tháng 4/2016 hay vụ cản trở giao thông ở trạm thu phí giao thông BOT Cai Lậy (Tiền Giang) cuối năm 2017.
Thâm hiểm hơn, các thủ đoạn chống phá về chính trị có sự thay đổi từ "chuyển lửa về quê hương" sang "tự diễn biến, tự chuyển hóa". Cùng với sự phát triển về kinh tế, đời sống tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao, các hình thức giao tiếp xã hội và tiếp cận thông tin ngày càng được mở rộng. Đây chính là mảnh đất màu mỡ để các thế lực chống đối gieo rắc tư tưởng sùng bái quyền dân sự, quyền chính trị theo mô hình của Phương Tây, phớt lờ các thành tựu của nước ta về dân chủ, quyền con người đã được Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác công nhận. Rất nhiều thông tin bịa đặt, không được kiểm chứng về việc Việt Nam bóp nghẹt các lĩnh vực xuất bản và báo chí; bắt giữ, giam cầm các nhà báo và các blogger “dám nói lên sự thật”, “dám đưa thông tin lề trái”...
Các trang mạng xã hội còn bị lợi dụng để tung tin tuyên truyền phê phán, đả kích, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; xuyên tạc tình hình dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo; bịa đặt sự chia rẽ, mâu thuẫn trong lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước. Thủ đoạn của các thế lực thù địch là lập ra các diễn đàn, hội nhóm trên mạng nhằm tán phát tài liệu, gửi "thư ngỏ", "lời góp ý chân thành" về các chủ trương chính sách nhằm tấn công vào tư tưởng của các cán bộ, đảng viên. Nhân danh “đấu tranh chống tham nhũng tiêu cực”, “bảo vệ chủ quyền biển đảo”, “phản biện xã hội”, “hiến kế cho Đảng”, thực chất các hoạt động này là nhằm hạ thấp uy tín, chia rẽ nội bộ, gây hoài nghi về vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước. Mặt trái của nền kinh tế thị trường khiến một số cán bộ, đảng viên bị tha hóa trước sự cám dỗ của đồng tiền; một số đảng viên cấp cao đã bị kỷ luật và xử lý hình sự trong các vụ án tham nhũng lớn. Ít nhiều những thông tin này đã tác động tiêu cực tới suy nghĩ của một bộ phận người dân và các thế lực thù địch đã không bỏ qua cơ hội này để đào sâu hơn, kích động sự hoài nghi, thậm chí là chống đối.
Hoạt động chống phá của các thế lực thù địch luôn thay đổi theo từng giai đoạn, nhưng chung quy lại chúng đều nhằm vào một số điểm trọng yếu, trong đó lấy chống phá về chính trị làm chủ đạo; lợi dụng các vấn đề nhân quyền, tôn giáo, dân tộc làm ngòi nổ; kết hợp với các mũi tấn công trên lĩnh vực kinh tế và ngoại giao làm hậu thuẫn. Trong bối cảnh Internet và mạng xã hội phát triển mạnh mẽ ở nước ta nhờ chính sách mở cửa của Đảng và Nhà nước ưu tiên cho phát triển kinh tế, các âm mưu thủ đoạn này càng có cơ hội để lây lan và biến tướng dưới nhiều vỏ bọc thâm hiểm hơn. Chiến thuật "từ trong đánh ra" không tạo ra một giới tuyến địch - ta rõ ràng, mà có mục đích biến chính các cá nhân trong bộ máy của Đảng và Nhà nước thành những "kẻ địch". Sự suy thoái, suy đồi về tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ đảng viên sẽ dẫn đến sự chuyển hóa về tư tưởng chính trị trong nội bộ Đảng, Nhà nước.
Trước bối cảnh như vậy, đấu tranh trên mặt trận tư tưởng không gì tốt hơn biện pháp nâng cao nhận thức, tư tưởng cho mỗi cán bộ, người dân. Tại Hội nghị Trung ương 4 (Khóa XII), Đảng ta đã ban hành nghị quyết nhấn mạnh phải tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; coi đó là nhiệm vụ cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay. Nhưng trước hết, mỗi cá nhân, tiên phong là các cán bộ đảng viên cần luôn đề cao cảnh giác, nhận thức rõ đâu là thông tin xây dựng, đâu là âm mưu phá hoại của kẻ địch. Nhận biết những thủ đoạn nói trên, mỗi cá nhân sẽ tự biến mình thành một chủ thể đấu tranh với những âm mưu gây rối, xuyên tạc với mục đích chống phá chính quyền.
Bài 2: Chủ động đấu tranh, kiên quyết bác bỏ