Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 22/10/2018 đã xác định, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là bảo vệ Đảng, Cương lĩnh chính trị, đường lối của Đảng; bảo vệ nhân dân, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.
Bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác có hiệu quả với các quan điểm sai trái, thù địch là một nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân; là công việc tự giác, thường xuyên của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp; của từng địa phương, cơ quan, đơn vị, của từng cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu.
Với quan điểm trên, nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đặt ra yêu cầu xác định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể đối với các cấp ủy, tổ chức đảng; tổ chức thực hiện đồng bộ, toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp; gắn kết chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, trong đó “xây” là cơ bản, “chống” phải quyết liệt, hiệu quả.
Muốn xây một bức tường thành về tư tưởng đủ sức đề kháng trước những âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, trước tiên chúng ta cần phải nắm vững, hiểu rõ những giá trị cần bảo vệ. Do đó, cần tiếp tục làm cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân nhận thức ngày càng đầy đủ hơn, sâu sắc hơn những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; làm cho chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc cho đời sống xã hội, xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Qua 74 năm đấu tranh giành độc lập, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã chứng minh con đường đúng đắn mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Trong giai đoạn Đổi mới, những quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh tiếp tục là nền tảng lý luận để Đảng ta đưa ra những quyết sách đúng đắn. Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung và phát triển năm 2011), Đảng ta đã xác định: “Đây là một quá trình cách mạng sâu sắc, triệt để, đấu tranh phức tạp giữa cái cũ và cái mới nhằm tạo ra sự biến đổi về chất trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất thiết phải trải qua một thời kỳ quá độ lâu dài với nhiều bước phát triển, nhiều hình thức tổ chức kinh tế, xã hội đan xen”. Hiểu một cách đơn giản, đây chính là sự vận dụng các nguyên lý, quy luật trong quan điểm Mác – Lênin về triết học, kinh tế chính trị học và chủ nghĩa xã hội khoa học. Từ đó, chúng ta tránh được khuynh hướng nóng vội “tả khuynh” hoặc trì trệ “hữu khuynh”, có những bước đi phù hợp với điều kiện đất nước và bối cảnh quốc tế.
Thực tế cho thấy, với đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng, đất nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng: Kinh tế tăng trưởng khá, chính trị - xã hội ổn định; văn hóa - xã hội có bước phát triển; bộ mặt đất nước và đời sống của nhân dân có nhiều thay đổi. Dân chủ xã hội chủ nghĩa được phát huy và ngày càng mở rộng. Đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường. Sức mạnh về mọi mặt của đất nước được nâng lên; vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao. Đặc biệt là Việt Nam đã hoàn thành Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc như: xóa đói giảm nghèo cùng cực; đạt phổ cập giáo dục tiểu học; thúc đẩy bình đẳng giới và đạt nhiều tiến bộ trong các chỉ tiêu về y tế như giảm tỷ số tử vong mẹ và tỷ suất tử vong trẻ em; đạt mục tiêu về kiểm soát sốt rét và bệnh lao cũng như đẩy lùi tỷ lệ lây lan HIV/AIDS…
Do đó, những ý kiến đòi “xét lại” lịch sử, xuyên tạc, phủ nhận đường lối lãnh đạo của Đảng thực chất là âm mưu chống phá những thành tựu mà đất nước đã đạt được. Việc viện dẫn so sánh với các nước công nghiệp phát triển là phi thực tế và không có cái nhìn biện chứng lịch sử khi mà điều kiện, xuất phát điểm ở mỗi nước khác nhau.
Trước sự chống phá của các thế lực thù địch, chúng ta lại càng phải tăng cường xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, giữ vững sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận xã hội; phát huy sức mạnh toàn dân tộc. Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí và cuộc vận động Học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh chính là những giải pháp quan trọng, đòi hỏi sự tham gia tích cực của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tạo nên một sức mạnh tập thể chống lại mọi âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, chống lại những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Nắm vững nội dung cơ bản và giá trị của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng ta cũng sẽ được trang bị vũ khí lý luận để đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, đặc biệt là đối với những cán bộ chuyên môn, những “chiến sĩ” trên lĩnh vực văn hóa tư tưởng. Các thế lực thù địch, đối tượng phản động, cơ hội chính trị đang tăng cường hoạt động chống phá toàn diện về chính trị, quân sự, kinh tế, tư tưởng, văn hóa… và luôn lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo để tuyên truyền, kích động, thực hiện “diễn biến hòa bình”, “phi chính trị hóa lực lượng vũ trang”, “bạo loạn lật đổ” nhằm thay đổi chế độ chính trị ở Việt Nam.
Trong bài viết mới đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh: Kinh nghiệm cho thấy, quá trình chuẩn bị đại hội Đảng các cấp cũng là thời điểm các thế lực thù địch, phản động và những phần tử cơ hội, bất mãn chính trị triệt để lợi dụng để kích động, xuyên tạc, chống phá quyết liệt cả về đường lối, chính sách và nhất là công tác nhân sự. Bởi vậy, báo chí và các cơ quan chức năng phải huy động được lực lượng rộng rãi đẩy mạnh đấu tranh phản bác những luận điệu sai trái, xuyên tạc, thù địch và những thông tin giả, xấu, độc, bịa đặt, xuyên tạc trên mạng xã hội, internet.
Khi Quốc hội thảo luận và thông qua Luật An ninh mạng, một đạo luật mà nhiều quốc gia trên thế giới cũng ban hành để xử lý các thông tin độc hại trên mạng internet, các thế lực thù địch đã ra sức chống phá bằng nhiều thủ đoạn thâm độc. Nhưng thực tế sau đó đã chứng minh, các quyền dân chủ, tự do ngôn luận vẫn được bảo đảm và nhiều thông tin giả, bịa đặt gây thiệt hại cho người dân, doanh nghiệp, xã hội đã được cơ quan chức năng xử lý kịp thời. Điều đó cho thấy, chúng ta có đủ vũ khí lý luận, có công cụ pháp lý, có những bài học kinh nghiệm trải suốt 74 năm từ ngày dân tộc giành được độc lập, tự do để đấu tranh với những luận điệu thù địch.
Kẻ thù có muôn vàn âm mưu, thủ đoạn, luôn thay đổi theo từng giai đoạn để chống phá Đảng, Nhà nước. Từ lĩnh vực chính trị như truyền bá tư tưởng đa nguyên đa đảng, đòi xóa bỏ Điều 4 về vai trò lãnh đạo của Đảng trong Hiến pháp, cho đến những vấn đề xã hội đang nổi cộm như ô nhiễm môi trường, trạm BOT giao thông hay một vụ việc cụ thể như vụ án đang điều tra ở trường tiểu học Gateway, kể cả tung tin bịa đặt về các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo… hòng gây một tâm lý hoài nghi trong nhân dân.
Bởi vậy, không chỉ là “miễn nhiễm” với thông tin xấu, độc, mà mỗi đơn vị, cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân cần phải chủ động, tích cực đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Đó có thể là những bài viết, nghiên cứu, ý kiến phê phán trực diện trên báo chí, trên mạng xã hội. Hoặc cũng có thể là những lời nói, phát ngôn, bình luận, chia sẻ, tương tác có trách nhiệm trong cuộc sống hàng ngày cũng như trên mạng. Đặc biệt là việc chủ động cung cấp thông tin của cơ quan chức năng trước những vấn đề mà công luận đang quan tâm. Tin tưởng và nắm vững đường lối của Đảng, xây dựng một thế trận quốc phòng toàn dân về tư tưởng, chúng ta sẽ có đủ biện pháp để đấu tranh với những âm mưu, thủ đoạn đó.