1. “Không tiếp công dân đến liên hệ công tác mà không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy”, thông tin trên sau khi được TTXVN phát và nhiều tờ báo đăng lại đã nhận được sự đồng tình của đông đảo dư luận. Xuất phát từ thực trạng nhiều vụ tai nạn giao thông đau lòng xảy ra do người điều khiển xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm, UBND xã Ba Thành, huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) đã có thông báo “Không tiếp công dân đến liên hệ công tác mà không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy”.
Nếu xét ở khía cạnh pháp lý, thông báo của UBND xã Ba Thành có lẽ còn nhiều vấn đề để bàn, nhưng với tác động thực tế từ chủ trương trên mang lại, thì rõ ràng đây là cách làm hay, cần được khuyến khích, nhân rộng. Bởi nó tạo cho người dân thói quen đội mũ bảo hiểm khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, mà quan trọng hơn cả, là giảm thiểu số người tử vong khi chẳng may gặp tai nạn.
Thực tế cho thấy, đã có không ít vụ tai nạn giao thông dẫn đến chết người xảy ra ở các tuyến đường nhánh, tuyến đường liên thôn, liên xã… do người điểu khiển phương tiện chủ quan không đội mũ bảo hiểm. Hơn nữa, ở các tuyến đường nêu trên, công tác kiểm tra, xử lý người điều khiển mô tô, xe máy vi phạm Luật Giao thông đường bộ còn bị xem nhẹ. Với cách làm của UBND xã Ba Thành, thời gian đầu không ít người dân địa phương ngỡ ngàng, thắc mắc, thậm chí còn phản ứng quyết liệt. Tuy nhiên, nhờ kiên trì vận động, nhắc nhở, nhiều người dần nhận thức được vấn đề, không chỉ bản thân nghiêm túc thực hiện, mà còn vận động người thân trong gia đình chấp hành. Nhờ vậy mà trong dịp Tết Quý Tỵ vừa qua, hầu hết người dân trong xã đã thực hiện tốt việc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, nhất là với thanh thiếu niên.
2. Tại buổi làm việc giữa Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) chiều 27/2, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã đưa ra con số thật đáng lưu tâm: Có đến 70% người tham gia giao thông đội mũ bảo hiểm giả. Ông Hiệp cũng dẫn lại con số được Bệnh viện Việt - Đức (Hà Nội) thống kê, là có tới 80% người bị chấn thương sọ não do dùng mũ bảo hiểm kém chất lượng. Quả là, quanh chiếc mũ bảo hiểm có quá nhiều phiền lụy.
Có một thực tế là hiện nay, việc sản xuất, mua bán, sử dụng mũ bảo hiểm không đạt tiêu chuẩn đang bị buông lỏng. Mũ bảo hiểm kém chất lượng được bày bán ở khắp các cửa hàng, cửa hiệu, hè phố, nhất là ở các đô thị và thành phố lớn. Khi tiến hành kiểm tra hơn 3.300 chiếc mũ bảo hiểm trên một số địa bàn ở Hà Nội ngày 25/2, cơ quan chức năng đã thu giữ gần 2.000 chiếc kém chất lượng, không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp.
Tuy nhiên việc xử lý vi phạm xung quanh chiếc mũ bảo hiểm lại đang là vấn đề tranh cãi. Nhiều ý kiến cho rằng, mức phạt đối với người đội mũ bảo hiểm kém chất lượng (mũ giả) khi tham gia giao thông tương đương mức xử phạt người không đội mũ bảo hiểm như đang áp dụng… là không hợp lý. Bởi theo họ, tại sao không phạt người (hoặc cơ sở) sản xuất, mà lại phạt người tiêu dùng. Bên cạnh đó, có sự mâu thuẫn trong việc xác định đâu là mũ thật, mũ giả. Cảnh sát giao thông thì cho rằng, họ không có đủ cơ sở để thẩm định chất lượng mũ bảo hiểm, nên rất khó khăn trong việc xử phạt. Việc giám định chất lượng mũ bảo hiểm là thuộc thẩm quyền của cơ quan kiểm định chất lượng (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ). Còn quản lý thị trường thì nại rằng, việc mũ giả bày bán tràn lan ở vỉa hè là thuộc trách nhiệm của địa phương, của trật tự đô thị? Vậy cuối cùng, ai sẽ làm việc này?
Tuy nhiên, người tiêu dùng không khó để nhận biết đâu là mũ thật, đâu là mũ giả. Vì tham rẻ, cùng với động cơ chỉ để đối phó, nên họ sẵn sàng mua và sử dụng mũ giả. Có “cầu” ắt sẽ còn “cung”, điều đó cũng đồng nghĩa với việc sẽ còn có nhiều tai nạn đau lòng xảy ra khi người dân sử dụng mũ bảo hiểm không đảm bảo chất lượng.
Do vậy, muốn loại trừ mũ bảo hiểm giả, thì chỉ với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng thôi chưa đủ, mà còn phụ thuộc vào ý thức tự bảo vệ của người tiêu dùng.
Yến Nhi