Chuyện trẻ vào lớp 1

Xung quanh vấn đề trẻ vào lớp 1 có hai chuyện thu hút sự chú ý của dư luận trong tuần qua, đó là chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) nghiêm cấm việc tổ chức dạy học trước chương trình lớp 1 và việc phải có “sổ đỏ” mới được xét vào lớp 1 xảy ra ở thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.


Trước tiên là chỉ thị của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT yêu cầu các sở GD-ĐT nghiêm cấm giáo viên tổ chức hoặc tham gia dạy học trước chương trình lớp 1.

 

Có thể nói, đây là biện pháp mạnh tay của Bộ GD- ĐT trong việc chấn chỉnh tình trạng dạy thêm học thêm và nhận được đồng tình của dư luận. Theo quan điểm của Bộ GD-ĐT, việc dạy học trước chương trình lớp 1 là phản khoa học, gây khó khăn trong việc tổ chức dạy học lớp 1, vì sẽ làm trẻ chủ quan, giảm hứng thú học tập khi vào học lớp 1, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình phát triển tâm sinh lý của trẻ, nhất là khi người dạy có phương pháp sư phạm không tốt.


Kết quả khảo sát của ngành giáo dục cho thấy, hàng năm, tỷ lệ trẻ biết viết trước khi vào lớp 1 chiếm gần 50%. Tuy nhiên, không phải tất cả những học sinh này đều trở nên xuất sắc. Bên cạnh đó, khi vào lớp 1, trẻ được học từ đầu cách cầm bút, tư thế ngồi, nét chữ… bảo đảm hết học kỳ I, tất cả trẻ đều biết đọc, biết viết. Do đó, trước khi cho trẻ vào lớp 1, chỉ nên chuẩn bị cho trẻ tâm lý thích đến trường, có kỹ năng giao tiếp với bạn, thích đặt câu hỏi… Đó là những kỹ năng giúp trẻ thành công trong học đường.


Như vậy, vấn đề cần được quan tâm là việc triển khai thực hiện chỉ thị của Bộ GD- ĐT như thế nào? Theo một số chuyên gia giáo dục, để khắc phục tình trạng dạy thêm trước cho trẻ vào lớp 1, thì nhà trường và chính quyền địa phương phải kiểm soát chặt chẽ giáo viên dạy học trước; đồng thời có biện pháp kiên quyết với giáo viên vi phạm. Để thực hiện được điều này, không đơn giản chỉ là biện pháp hành chính, mà cần sự tự giác, đồng thuận của nhà trường, giáo viên và phụ huynh học sinh.


Câu chuyện thứ hai là các em nhỏ tại phường 9, TP Vũng Tàu muốn vào lớp 1 tại hai trường tiểu học Quang Trung và Trưng Vương, ngoài đơn xin dự tuyển, bản sao giấy khai sinh, hộ khẩu, thẻ BHYT, tiêm chủng… phải có thêm Giấy chứng nhận “sở hữu nhà ở” của bố mẹ (sổ đỏ)! Nhiều người nhận xét rằng, đó là quy định “kỳ quặc”, khiến người ta liên tưởng tới cách tuyển sinh của một số trường ngoài công lập ở Hà Nội trong nhiều năm học vừa qua, như phải có sức khỏe loại A, không nói ngọng, nói lắp, không có dị tật bẩm sinh…, thậm chí phải có giấy chứng nhận đã học mẫu giáo!!!


Trở lại câu chuyện xảy muốn vào lớp 1 phải có “sổ đỏ”, thì theo lý giải của lãnh đạo Phòng GD-ĐT TP Vũng Tàu, yêu cầu có chủ quyền nhà ở cũng chỉ là giải pháp để chọn những học sinh cư trú thực sự tại địa phương. Tuy nhiên, cách giải thích trên không nhận được sự đồng tình của dư luận. Trên thực tế, có nhiều trường hợp cư trú tại địa phương, nhưng không phải ai cũng có nhà riêng, thậm chí người có nhà riêng nhưng vì hoàn cảnh nào đó đã phải bán đi, giờ ở nhà thuê thì lấy đâu ra “sổ đỏ”.


Vẫn biết, việc chạy trường chạy lớp đang là vấn nạn, nhưng với cách làm của Phòng GD-ĐT TP Vũng Tàu thì rõ ràng sẽ gây phiền hà, tạo cơ hội cho một số cá nhân trục lợi, nếu chưa muốn nói nó đi ngược chủ trương phổ cập giáo dục của Đảng, Nhà nước ta.

 

Yến Nhi

Vào lớp 1 phải có 'sổ đỏ' là do hiểu sai
Vào lớp 1 phải có 'sổ đỏ' là do hiểu sai

Phòng Giáo dục TP. Vũng Tàu không hề ra quy định này mà do cách truyền đạt chưa rõ của đơn vị nghiệp vụ và trường tiểu học đã hiểu sai chỉ đạo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN